Hậu đụng độ biên giới Trung - Ấn: Trung Quốc cũng phải trả giá đắt

12/07/2020 09:41 GMT+7
Vụ đụng độ quân sự ở biên giới Trung Ấn làm hơn 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đã khiến quan hệ giữa hai quốc gia tỷ dân trở nên lạnh nhạt, thổi bùng làn sóng tẩy chay Trung Quốc tại Ấn Độ.
Hậu đụng độ biên giới Trung - Ấn: Trung Quốc cũng phải trả giá đắt - Ảnh 1.

Hậu đụng độ biên giới Trung - Ấn: không riêng Ấn Độ,Trung Quốc cũng phải trả giá đắt

Cho đến nay, chính phủ Ấn Độ đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm đến các doanh nghiệp Trung Quốc. Những động thái bao gồm cả việc chặn đứng 59 ứng dụng công nghệ Trung Quốc trong đó có TikTok, WeChat, Weibo… Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi sau đó viện dẫn lý do rủi ro bảo mật quốc gia để lý giải cho hành động này.

Hội Liên hiệp các thương nhân Ấn Độ, một tổ chức đại diện cho hơn 70 triệu thương nhân và 40.000 hiệp hội thương mại của quốc gia này cũng đang cổ vũ một chiến dịch tẩy chay các mặt hàng Trung Quốc. 

Cho đến nay, phía Bắc Kinh chưa công bố bất kỳ biện pháp trả đũa kinh tế nào, nhưng cảnh báo Ấn Độ nên cân nhắc lại về các hành động trừng phạt kinh tế đi ngược lại quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO như vậy.

Nhiều chuyên gia phân tích chỉ ra rằng nền kinh tế vốn đã suy yếu của Ấn Độ có khả năng sẽ tổn thương nặng nề sau những động thái “tách rời” với Trung Quốc. Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng của Ấn Độ nói riêng phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn bậc nhất của Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực đầu tư, công nghệ. Nên nhớ rằng các công ty công nghệ Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD vào thị trường Ấn Độ. Chỉ riêng trong lĩnh vực smartphone, 4 trong 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất Ấn Độ đến từ Trung Quốc.

Nhưng không riêng Ấn Độ, chính Trung Quốc cũng có nguy cơ thiệt hại nặng nề khi căng thẳng Trung Ấn leo thang. “Rất khó để xác định người chiến thắng và kẻ thua cuộc khi căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế. Ấn Độ là một thị trường rộng lớn, đổi lại Trung Quốc cũng đang rót vốn đầu tư khủng cho các doanh nghiệp Ấn Độ” - nhận định của ông Du Youkang, chuyên gia nghiên cứu khu vực Nam Á tại Đại học Fudan (Thượng Hải).

Amitendu Palit, một nghiên cứu viên cao cấp về thương mại và kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore thì cho rằng các chính sách cứng rắn mới đây của Chính phủ Ấn Độ sẽ gây ra tác động trong dài hạn. “Quyết định của Ấn Độ về việc cấm các ứng dụng Trung Quốc mới đây đã gây ra trở ngại cho các nhà phát triển phần mềm Trung Quốc trong việc tiếp cận một thị trường tỷ dân nơi kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng và các ứng dụng như TikTok có sức hấp dẫn lớn”.

“Về phía ngược lại, chính các nhà sản xuất nội dung số của Ấn Độ cũng sẽ chịu ảnh hưởng về doanh thu do thiếu các nền tảng ứng dụng như vậy” - ông Palit nói thêm.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ đang cố gắng quảng bá đến người tiêu dùng Ấn Độ rằng sản phẩm của họ hoàn toàn được sản xuất tại địa phương. Xiaomi, gã khổng lồ smartphone Trung Quốc trong chiến dịch quảng bá mới nhất đã nhấn mạnh rằng 99% smartphone và hầu hết TV của hãng được sản xuất tại chính Ấn Độ nhằm thoát khỏi chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc mạnh mẽ của người dân Ấn Độ.

Ông Amitendu Palit chỉ ra rằng: “Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ lâu nay được xây dựng trên một nền tảng thiếu hụt niềm tin. Và lúc này, sự thiếu lòng tin đó đang bị đẩy lên mức cao kỷ lục”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục