95% doanh nghiệp Mỹ đang có ý định "bỏ rơi" các nhà cung cấp Trung Quốc
Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung Qima trên 200 công ty có chuỗi cung ứng rộng khắp toàn cầu hồi tháng 6 vừa qua cho thấy 95% trong số doanh nghiệp Mỹ được hỏi đang đánh giá việc chuyển nhà cung cấp ra khỏi Trung Quốc. Nguyên nhân là do những căng thẳng thương mại hiện tại và sự bất ổn trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về lâu dài.
Chỉ gần một nửa số doanh nghiệp EU cho biết có kế hoạch chuyển dịch nguồn cung khỏi Trung Quốc ngay lập tức. Nghĩa là căng thẳng Mỹ - Trung đang ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng đa dạng hóa hoặc thay thế nguồn cung của doanh nghiệp Mỹ.
Trong nhiều năm qua, các công ty đa quốc gia đã tìm đến những thị trường có chi phí sản xuất rẻ tương đối so với Trung Quốc, khi chi phí lao động ở Trung Quốc ngày một tăng lên. Nhưng kết quả các cuộc khảo sát tương tự đã chỉ ra sự gia tăng mạnh nhu cầu chuyển dịch ở các công ty của Mỹ khi mối quan hệ Mỹ Trung diễn biến xấu đi.
Hồi tháng 5/2020, trong một nghiên cứu độc lập khác, Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải báo cáo rằng có tới 74,9% doanh nghiệp cho biết cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế đang tác động tiêu cực đến họ. 40% trong số đó đã hoặc đang xem xét di dời cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Hans Till, một nhà tư vấn tìm nguồn cung ứng ở Hồng Kông cũng cho biết ông nhận được nhiều yêu cầu từ các doanh nghiệp Mỹ về việc tìm giải pháp thay thế cho thị trường Trung Quốc.
Nhưng các chuyên gia nghiên cứu cảnh báo rằng việc dịch chuyển chuỗi cung ứng không thể diễn ra trong một sớm một chiều, nhất là khi dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu, gây ra nhiều sự gián đoạn chuỗi cung ứng trầm trọng. Bởi trong khi các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách chạy khỏi thị trường Trung Quốc, Trung Quốc lại trở thành một trong những nền công nghiệp hiếm hoi phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng đại dịch. Nhiều thị trường thay thế khác như Ấn Độ hiện vẫn đang phải vật lộn để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh và chưa thể mở cửa trở lại nền kinh tế.
Archer Perkins, giám đốc điều hành tại ET2C International, một công ty tìm kiếm nguồn cung ứng cho hay: “Chúng tôi đã tư vấn cho nhiều khách hàng, chủ yếu là các công ty Mỹ (về việc chuyển dịch nguồn cung) trong hai năm qua. Những căng thẳng thương mại và vụ dịch Covid-19 gần đây chắc chắn đã thúc đẩy xu hướng đó. Tuy nhiên, hiện tại, mối ưu tiên hơn cả là việc nối lại chuỗi cung ứng bình thường trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu chững lại”.
Julien Brun, nhà quản lý công ty cố vấn cung ứng CEL Consulting tại Thành phố Hồ Chí Minh thì cho biết các doanh nghiệp toàn cầu như Apple, Samsung và Nintendo đang đẩy mạnh việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ do kiểm soát thành công dịch Covid-19 từ sớm. Nhưng ông Brun cảnh báo quá trình dịch chuyển sẽ cần nhiều thời gian. Một số yếu tố khác như năng lực cơ sở hạ tầng… cũng là điều đáng cân nhắc.