Hé lộ "chiến lược" tại Mỹ của Tập đoàn FPT

11/09/2023 06:45 GMT+7
Tập đoàn FPT (Việt Nam) định hướng trở thành công ty đầu tiên thiết kế, sản xuất chip thương mại hóa lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2025.

Giới thạo tin cho biết, các công ty kỹ thuật số và bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ bao gồm Intel, GlobalFoundries và Google dự kiến sẽ tham dự cuộc họp kinh doanh với sự tham gia của khoảng 30 giám đốc điều hành và quan chức hàng đầu của 2 nước vào thứ Hai ngày 11/9 tại Hà Nội trong chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam.

Theo Reuters, giới thạo tin xác nhận sự có mặt của một số công ty chip lớn của Mỹ, bao gồm Amkor, cùng các đối tác Việt Nam của họ như công ty công nghệ FPT (FPT.HM), và các quan chức hàng đầu của Việt Nam và Mỹ, trong đó có cả Ngoại trưởng Antony Blinken.

Hồi cuối tháng 8/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam "rộ" tin Tập đoàn FPT (Việt Nam), HoSE: FPT sẽ mở rộng hoạt động của mình tại Mỹ, cũng như sẽ tiến hành IPO trên thị trường này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dù, 2 thông tin quan trọng nói trên chưa được làm sáng tỏ, việc lãnh đạo Tập đoàn FPT sẽ tham gia cuộc họp kinh doanh với các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ cũng như các quan chức cấp cao phần nào hé mở định hướng tương lai và vị thế của FPT.

Lộ chiến lược tại Mỹ của Tập đoàn FPT

Về lĩnh vực công nghệ, chip vi mạch, FPT định hướng trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thiết kế, sản xuất chip thương mại hóa lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2025.

Trong quý II, FPT ghi nhận 12.485 tỷ đồng doanh thu và 1.509 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 24% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có lãi ròng cao nhất từ trước đến nay của tập đoàn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 24.166 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận ròng đạt 3.003 tỷ đồng tăng 21%.

Hé lộ "chiến lược" tại Mỹ của Tập đoàn FPT - Ảnh 2.

Mỹ là một trong 2 thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số toàn bộ các thị trường, với mức độ tăng trưởng doanh thu năm 2022 là 50%

Năm 2023, FPT lên kế hoạch tổng doanh thu 52.289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ đồng. Với kết quả trên, tập đoàn đã thực hiện được lần lượt 46% và 48% hai chỉ tiêu trong nửa đầu năm.

6 tháng đầu năm, khối công nghệ (dịch vụ CNTT trong nước và dịch vụ CNTT nước ngoài) mang về 14.202 tỷ đồng doanh thu và 2.005 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 25% và 26% so với cùng kỳ. Mảng công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 59% vào doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế của tập đoàn.

Trong đó, doanh thu dịch vụ CNTT tại nước ngoài đạt 11.227 tỷ đồng tăng 30%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.834 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Theo FPT, các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản tăng 39% so với cùng kỳ.

Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài đạt 4.886 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI, Data Analytics...

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu ký mới đạt 15.017 tỷ đồng, tăng 29% do với cùng kỳ. Trong đó có 13 dự án với quy mô trên 5 triệu USD.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch HĐQT FPT cho biết kế hoạch năm 2023 là FPT đạt 1 tỷ USD cho dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài. FPT sẽ nâng tầm trên bản đồ dịch vụ CNTT thế giới.

Cũng tại Đại hội, trước câu hỏi của cổ đông về việc có dự định IPO tại Mỹ, lãnh đạo FPT cho biết, Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip của thế giới. Hiệp Hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã tiến hành bàn công việc với chính chủ và các doanh nghiệp, họ đánh giá cao Việt Nam là nơi tốt nhất cho sản xuất chip so với các quốc gia khác trong Đông Nam Á. Thách thức của Việt Nam là nguồn nhân lực và FPT có thể tham gia vào đào tạo nhân lực về chip. Chip của FPT đã bán được 25 triệu chiếc, với vị thế có sẵn các đối tác là doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử.

"Về IPO cần phải rõ lợi ích của việc này, hiện FPT chưa nhìn thấy những lợi ích rõ ràng của việc này", lãnh đạo FPT nói.

Đại diện FPT cũng cho biết hiện mảng công nghệ tại Mỹ đang tăng trưởng mạnh, cơ cấu doanh thu tại Mỹ đã tiệm cận với Nhật Bản. Lý do, Tập đoàn đã lập được "hattrick" khi ký hợp đồng lớn với đối tác Mỹ. Năm 2022, doanh thu tại thị trường này còn nhỉnh hơn thị trường Nhật Bản.

Trong năm qua, thương vụ M&A Intertec đã giúp FPT mở rộng quy mô tại châu Mỹ và tiến tới cân bằng 3 thị trường chính như: Nhật, Mỹ, châu Á Thái Bình Dương.

"Mỹ là một trong 2 thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số toàn bộ các thị trường, với mức độ tăng trưởng doanh thu năm 2022 là 50%", lãnh đạo FPT cho hay.

Trong báo cáo công bố cuối tháng 8, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận thấy triển vọng duy trì động lực tăng trưởng mạnh của FPT đến từ hai thị trường Nhật và Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) trong 2023 - 2024, song song với nhu cầu chi tiêu CNTT ở Mỹ cho tín hiệu hồi phục trở lại. Ngoài ra, khối giáo dục tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng cao của năm 2022 cũng là điểm tích cực cho tăng trưởng của FPT.

Do vậy, các nhà phân tích kỳ vọng đơn hàng ký mới của FPT tại thị trường Mỹ sẽ có sự hồi phục trong quý IV/2023 và tạo đà tăng trưởng năm 2024 do các đơn hàng ký mới trong quý cuối năm sẽ chủ yếu được ghi nhận trong nửa đầu 2024.

Riêng đối với triển vọng hai quý cuối năm nay, BSC cho rằng mức tăng trưởng của thị trường Mỹ sẽ chưa có nhiều sự cải thiện so với đầu năm 2023 do đơn hàng ký mới ghi nhận giảm trong quý II và tháng 7/2023.

Xét trong trung và dài hạn, thị trường Mỹ là thị trường có dư địa tăng trưởng rất lớn với chi tiêu CNTT hàng năm đã đạt đến hơn 2.000 tỷ USD trong năm 2022 (theo Statista). Do vậy, BSC đánh giá đây là thị trường chiến lược, sẽ giúp FPT duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn 2024 – 2025.

Liên quan đến thị trường tại Mỹ, vào tháng 2/2023, FPT công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ (IT services) - một trong những mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International (Mỹ). Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT.

Trước đó, năm 2018, FPT đã mua lại 90% cổ phần của Intellinet, công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, do Consulting Magazine đánh giá năm 2017.

O.L
Cùng chuyên mục