Hé lộ năng lực nhà đầu tư duy nhất muốn làm khu biệt thự nhà vườn gần 800 tỷ ở Hoà Bình

21/07/2023 11:34 GMT+7
Nhà đầu tư duy nhất đăng ký làm dự án Khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái tại xã Mông Hoá, TP Hoà Bình gần 800 tỷ đồng là liên danh CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC - CTCP Tập đoàn Hồ Gươm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái tại xã Mông Hoá, TP Hòa Bình. Theo đó, nhà đầu tư duy nhất đăng ký là liên danh CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC - CTCP Tập đoàn Hồ Gươm.

Dự án có tổng diện tích hơn 28,7 ha, quy mô dân số 1.396 người. Cơ cấu sử dụng đất gồm đất ở có diện tích 81.553 m2 (đất ở biệt thự, đất nhà ở xã hội); đất công trình công cộng có diện tích 1.515 m2; đất thương mại dịch vụ có diện tích 7.877 m2; đất đường giao thông diện tích 43.472 m2.

Sơ bộ về cơ cấu sản phẩm nhà ở thương mại gồm 263 lô biệt thự, trong đó có 27 căn hoàn thiện xây thô mặt ngoài.

Dự án có tổng vốn đầu tư là 792 tỷ đồng, cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu là 119 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đăng ký), còn lại là vốn vay và vốn huy động khác. Chi phí đầu tư gồm chi phí đầu tư xây dựng là 720,8 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (tạm tính) là 71 tỷ đồng.

Về tiến độ thực hiện dự án, dự kiến quý I - quý II/2023 sẽ chuẩn bị thủ tục đầu tư; quý III/2023 - quý IV/2025 dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật công trình và hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động quý I/2026.

Mục tiêu đầu tư của Dự án là xây dựng khu biệt thự nhà vườn, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp hoàn chỉnh, đồng bộ, văn minh hiện đại; xác lập bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở cho công tác quản lý quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; kinh doanh bất động sản, nâng cấp hiệu quả sử dụng đất; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động; tạo quỹ nhà ở cho TP. Hòa Bình...

Hé mở về CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC

CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (HoSE: HVH) thành lập ngày 23/04/2020, vốn điều lệ tại thời điểm 31/3/2023 đạt 369,5 tỷ đồng. Hoạt động chính là cung cấp, lắp đặt các thiết bị vui chơi, giải trí cao cấp như sân trượt băng nghệ thuật, thủy cung đại dương, công viên nước, bể bơi và hoạt động lắp đặt hệ thống M&E có ảnh hưởng đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của Nhóm Công ty.

Theo giới thiệu trên website của HVC, Công ty là đối tác quen thuộc của một số tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, Mường Thanh, Danko...

HVC hiện chưa công bố tình hình kinh doanh quý II/2023. Trong quý I/2023, HVC ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 38 tỷ đồng, giảm 60,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 7,8 tỷ đồng, giảm 46,3% so với quý II/2022. Lãi sau thuế đạt 1,3 tỷ đồng, giảm 80,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng tài sản của HVC tính tới cuối quý I/2023 đạt 661,4 tỷ đồng. Tiền mặt ghi nhận 68,2 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 18% xuống 155,6 tỷ đồng. Trong đó, phải thu khách hàng là bên thứ ba gồm: tổng phải CTCP Vinhomes gần 70 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Gia Lâm 15,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Cát Hải 23,2 tỷ đồng; CTCP Phát triển Địa ốc Cienco 5 số tiền 9,6 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Danko 6,2 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn 7,5 tỷ đồng... Phải trả trước cho Công ty TNHH Fluidra Việt Nam 20,3 tỷ đồng....

Hé lộ năng lực nhà đầu tư duy nhất muốn làm khu biệt thự nhà vườn gần 800 tỷ ở Hòa Bình - Ảnh 1.

Hàng tồn kho giảm 9% xuống 109,4 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận 120,4 tỷ đồng, trong đó mua bất động sản đầu tư tại xóm Nước Hang, xã Mông Hóa, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình gần 90 tỷ đồng; Xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị sắt thép, thiết bị lọc xử lý nước và đồ gỗ nội thất hơn 30,4 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả ghi nhận giảm nhẹ xuống 183,2 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn; phải trả người bán ngắn hạn giảm 36,6% xuống hơn 35 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn gần 91 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 478,2 tỷ đồng.

Báo tài chính quý I/2023 của HVC cũng cho thấy, Công ty có gần 11,2 tỷ đồng nợ xấu và khó có khả năng thu hồi, trong đó CTCP Phát triển Địa ốc Cienco 5 nợ 9,6 tỷ đồng; CTCP Milton 435,8 triệu đồng; CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị Thăng Long 196,6 triệu đồng...

Năm 2023, HVC lên mục tiêu tổng doanh thu 443 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 26,5 tỷ đồng, tăng 20,5 tỷ đồng so với năm ngoái. Cổ tức dự kiến chia tỷ lệ 10%.

CTCP Tập đoàn Hồ Gươm

CTCP Tập đoàn Hồ Gươm tiền thân là phân xưởng may 2 thuộc xí nghiệp dịch vụ may Konfetimex thành lập năm 1992. Đến năm 1999, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và lấy tên là CTCP May Hồ Gươm. Năm 2017, công ty chuyển đổi thành Tập đoàn Hồ Gươm và đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hồ Gươm.

Tập đoàn Hồ Gươm có địa chỉ tại tòa Hồ Gươm Plaza, 102 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội.

Hé lộ năng lực nhà đầu tư duy nhất muốn làm khu biệt thự nhà vườn gần 800 tỷ ở Hòa Bình - Ảnh 2.

Công ty có nhiều lần thay đổi vốn điều lệ, tại thay đổi ngày 24/09/2021, Tập đoàn Hồ Gươm tăng vốn từ 90 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập không được tiết lộ. Đại diện pháp luật là bà Ninh Thị Ty (SN 1954) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Bà Ninh Thị Ty còn được biết là Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Trưng Vương. Theo giới thiệu website của Trường Trưng Vương, bà Ty là một nữ doanh nhân có nhiều bằng cấp, là một kỹ sư 3 lần được đào tạo tại Đức và là Thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Mỹ (MBA).

Dự án Hồ Gươm Plaza được biết sản phẩm đầu tiên đánh dấu bước ngoặt của nữ đại gia Ninh Thị Ty trên thị trường bất động sản. Theo như chia sẻ của bà Ninh Thị Ty trên báo chí, đây là dự án tâm huyết của đời bà. Thế nhưng, dự án này từng gây ra bức xúc kéo dài cho nhiều khách hàng đã mua nhà tại đây.

Bà Ninh Thị Ty còn được biết là đại diện của CTCP May Chiến Thắng, công ty thành lập năm 2005. Tại thời điểm tháng 8/2022 May Chiến Thắng có vốn điều lệ hơn 44 tỷ đồng.

Bà Ty cũng là đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT tại Công ty TNHH Thương Mại Hoàng Lan. Công ty thành lập năm 2025. Vốn điều lệ vào cuối năm 2021 đạt 300 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn Hồ Gươm nắm 51%, cổ đông Nguyễn Thị Nga nắm 40% và Vũ Thị Nga nắm 9%.

Tại CTCP Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Hồ Gươm (thành lập năm 2021), bà Ninh Tị Ty vừa là đại điện pháp luật kiêm Giám đốc. Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn Hồ Gươm góp 55%, bà Ninh Thị Ty góp 10% và Đỗ Huy Bình góp 35%.

Bà Ty cũng là đại diện kiêm Tổng Giám đốc tại CTCP Hồ Gươm Phú Quốc (thành lập 2022). Công ty có trụ sở chính tại tỉnh Kiến Giang. Vốn điều lệ khi thành lập Công ty đạt 50 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Hồ Gươm nắm 40%, Nguyễn Thị Nga góp 25%, Ninh Thị Nguyễn góp 5%, Nguyễn Thị Hòa góp 30%.

O.L
Cùng chuyên mục