Hé lộ chân dung doanh nghiệp 7 tháng tuổi làm dự án nhà máy thép 5.500 tỷ ở Thanh Hóa

03/03/2023 08:35 GMT+7
Công ty CP Gang thép DST Nghi Sơn thành lập tháng 7/2022 là chủ đầu tư dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn, tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng.

Hé mở chân dung DST Nghi Sơn 

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty CP Gang thép DST Nghi Sơn (trụ sở đóng tại Khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn) thực hiện dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn.

Dự án này có quy mô khoảng 51ha, tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 1.000 tỷ đồng; còn lại 4.500 tỷ đồng vốn huy động ngân hàng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất…

Công suất thiết kế của dự án đạt 980.000 tấn thép cuộn cán nóng/năm, 30.000 tấn kết cấu thép/năm và 300.000 tấn thép ống, hộp, tôn mạ/năm.

Dữ liệu Etime cho thấy, Công ty CP Gang thép DST Nghi Sơn thành lập ngày 22/7/2022, trụ sở chính tại Khu Công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Hé lộ chân dung doanh nghiệp 7 tháng tuổi làm dự án nhà máy thép 5.500 tỷ ở Thanh Hóa - Ảnh 1.

Cơ cấu cổ đông Công ty CP Gang thép DST Nghi Sơn.

Ngành nghề chính của DST Nghi Sơn là đúc sắt, thép. Vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Tập đoàn DST Việt Nam góp 300 tỷ đồng (chiếm 30%), Công ty TNHH Thép Cường Phát DST góp 150 tỷ đồng (chiếm 15%), Công ty CP Ống thép Thuận Phát góp 200 tỷ đồng (20%), Công ty CP Tập đoàn VJCO góp 200 tỷ đồng (20%), Công ty CP Kim khí Quốc tế Việt Nhật góp 150 tỷ (15%).

Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1981). Ông Hùng đồng thời cũng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện Công ty CP Tập đoàn DST Việt Nam – cổ đông lớn nhất của DST Nghi Sơn.

Tập đoàn DST Việt Nam

Tập đoàn DST Việt Nam thành lập ngày 24/2/2014, tiền thân là Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng DST Việt Nam, trụ sở chính tại  phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.

Công ty giới thiệu có 5 lĩnh vực hoạt động chính gồm: sản xuất và kinh doanh thép (lĩnh vực cốt lõi); tổng thầu thiết kế và thi công các công trình công nghiệp, dân dụng và giao thông; đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao; các dự án bất động sản đô thị và công nghiệp; khai khoáng.

Tại thời điểm tháng 5/2021, Tập đoàn tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, cổ đông góp vốn gồm, ông Nguyễn Mạnh Hùng góp 50%, Phùng Thị Kim Thủy góp 30% tỷ đồng và bà Lê Thị Ngọc Tú góp 20%. Đến tháng 7/2022, Tập đoàn DST Việt Nam nâng vốn lên 300 tỷ đồng và không rõ cổ đông góp vốn.

Hé lộ chân dung doanh nghiệp 7 tháng tuổi làm dự án nhà máy thép 5.500 tỷ ở Thanh Hóa - Ảnh 2.

Công ty CP Tập đoàn DST Việt Nam góp 300 tỷ đồng (chiếm 30%) tại DST Nghi Sơn. Ảnh: Tập đoàn DST Việt Nam

Dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, Công ty đã tham gia 4 gói thầu và trúng cả 4 gói. Tổng giá trị trúng thầu hơn 507 tỷ đồng.

Trên website Tập đoàn DST Việt Nam cho thấy doanh nghiệp đang sở hữu loạt công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Thép Cường Phát DST, Công ty CP Ống thép Cường Phát DST, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trường Phát DST, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Hải Long, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hoàng Phương, Công ty CP Bất động sản DST.

Trong nhóm doanh nghiệp này, Công ty TNHH Thép Cường Phát DST là cổ đông pháp nhân nắm giữ 15% cổ phần DST Nghi Sơn. Công ty này thành lập 8/4/2020 có trụ sở chính tại Cụm Công nghệ Hoàng Mai, Thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang. Ngành nghề chính là rèn dập, ép và cán kim loại, luyện bột kim loại.

Vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, trong đó, cổ đông Vũ Hữu Hưng góp 20%, Hoàng Thị Thơm góp 45%, Nguyễn Trung Thanh góp 25%, Nguyễn Văn Phượng góp 10%. Đến ngày 17/6/2020, Thép Cường Phát DST tăng vốn lên 150 tỷ đồng.

Về Công ty CP Ống thép Thuận Phát thành lập 3/3/2011, có ngành nghề chính là bán buôn sắt, thép. Trụ sở chính tại xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Tại thời điểm 23/12/2020, Công ty tăng vốn từ 156,3 tỷ đồng lên 211 tỷ đồng. Đến ngày 15/6/2022, vốn điều lệ của Ống thép Thuận Phát được tăng lên 368 tỷ đồng. Đại diện pháp luật khi  này là ông Trần Văn Thắng (SN 1969) kiêm Chủ tịch HĐQT.

Còn Công ty CP Kim khí Quốc tế Việt Nhật thành lập ngày 2/10/2009, có địa chỉ tại xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tại thời điểm tháng 7/2018, công ty có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, đến ngày 19/2/2020, Công ty tăng vốn lên 168 tỷ đồng, không rõ cổ đông góp vốn. Tại thời điểm tháng 6/2022, người đại diện pháp luật của Công ty là bà Trần Thị Thu (SN 1964) kiêm Chủ tịch HĐQT.

Tập đoàn VJCO

Về Công ty CP Tập đoàn VJCO, thành lập ngày 10/10/2008, có trụ sở chính tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.

Theo giới thiệu, Tập đoàn này mở rộng sang hoạt động trên 10 lĩnh vực kinh doanh, từ thép, xây dựng, cơ điện, điện mặt trời, đến nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, dược phẩm; sản xuất dược liệu, nông nghiệp sạch, du lịch và nhà hàng.

Dữ liệu cho thấy, tại ngày 19/4/2022, công ty tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, cổ đông góp vốn gồm Nguyễn Văn Phượng góp 80% và Nguyễn Văn Phong góp 20%. Đến ngày 17/8/2022, VJCO tăng vốn lên 300 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật khi này là Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Phong (SN 1984).

Trên website của VJCO giới thiệu, đến ngày Tập đoàn mở rộng quy mô lên đến 18 công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các công ty như Công ty TNHH VJCO, Công ty CP Vinakiss Việt Nam, Công ty CP Sắt thép Việt Nam, Công ty CP Xây dựng Cẩm Sơn, Công ty TNHH Công nghệ cao y tế AMT, Công ty CP DỊch vụ và thương mại Kim Long Phát, Công ty CP Công nghệ cao Nano Quốc tế...



An Vũ
Cùng chuyên mục