Hết lùm xùm kiện cáo, Eximbank lại dính “sao quả tạ” gần trăm tỷ từ kiểm toán

01/04/2019 13:28 GMT+7
Nếu Eximbank thực hiện trích lập dự phòng các khoản cho vay đối với 7 khách hàng đang cầm cố cổ phiếu STB của Sacombank thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng sẽ tăng lên 97,6 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018. Trong đó, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH KPMG đã đưa ra nhấn mạnh về khoản 746 tỷ đồng nợ xấu phát sinh đối với khoản cho vay 7 khách hàng dùng gần 75 triệu cổ phiếu của một ngân hàng khác làm tài sản đảm bảo.

Theo tìm hiểu, cổ phiếu được cầm cố là cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Lợi nhuận sau thuế giảm hơn 78 tỷ đồng

Cụ thể, đến hết ngày 31.12.2018, trong số dư nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của Eximbank có 746 tỷ đồng dư nợ gốc của các khoản cho vay 7 khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu một ngân hàng khác, đã dự phòng tương ứng gần 21,8 tỷ đồng, được cơ cấu lại và giữ nguyên theo nhóm nợ theo Công văn số 942/NHNN-TTGSNH do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 1.12.2016 cho đến khi NHNN phê duyệt Đề án sáp cơ cấu lại sau sáp nhập của ngân hàng có cổ phiếu được nhận làm tài sản đảm bảo khoản vay nêu trên. Ngày 22.5.2017, NHNN đã phê duyệt đề án cơ cấu lại sau sáp nhập nêu trên.

Tuy nhiên, tại ngày lập báo cáo, Eximbank vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào khác của NHNN về việc phân loại và trích lập dự phòng đối với khoản cho vay này.

Trước đó, trong năm 2016, Eximbank đã khởi kiện 7 khách hàng này để thu hồi nợ. Đến ngày lập báo cáo tài chính năm 2018, các vụ kiện liên quan đến 3 trong số 7 khách hàng với dư nợ gốc là 312 tỷ đồng đã có bản án sơ thẩm.

 

Trích báo cáo sau kiểm toán 2018 của Eximbank

Theo đó, 3 khách hàng này phải thanh toán cả lãi và gốc cho Eximbank số tiền gần 438 tỷ đồng ngay khi bản án có hiệu lực. Trong trường hợp không thể thanh toán khi đến hạn thì Eximbank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản để thu hồi nợ.

Các khách hàng này hiện đã kháng cáo phán quyết của tòa sơ thẩm về cách tính lãi.

Đối với 4 khách hàng còn lại với dư nợ 434 tỷ đồng, Eximbank đang chờ thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo kiểm toán KPMG, nếu trích lập dự phòng các khoản cho vay trên theo Thông tư 02 và Thông tư 09 thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho năm 2018 sẽ tăng lên trên 97,6 tỷ đồng, năm 2017 là trên 60 tỷ đồng.

Với khoản trích lập này, lợi nhuận sau thuế của Eximbank cho năm kết thúc ngày 31.12.2018 sẽ giảm đi 78 tỷ, năm 2017 giảm tương ứng 48 tỷ đồng

Lùm xùm kiện cáo xung quanh việc bổ nhiệm tân chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú

Bên cạnh kết quả kinh doanh, sau khi cựu chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui khỏi Eximbank, vấn đề nhân sự, chạy đua trong cuộc chiến quyền lực luôn là điểm nóng của ngân hàng này.

Vào cuối tuần vừa qua, Eximbank đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92/2019/QĐ-BPKCTT của Tòa án nhân dân TP HCM. Quyết định này do Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung ký ban hành ngày 27.3 về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT của Eximbank.

Cụ thể, trong đơn khiếu nại ngày 28.3 do Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết ký gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy Viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và Chánh án TAND TP HCM, Eximbank cho rằng quyết định của Tòa án TP HCM là trái luật.

Đơn khiếu nại của Eximbank được gửi đi ngay sau khi Tòa án nhân dân TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank về việc miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT là ông Lê Minh Quốc để bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Được biết, quyết định của TAND TP.HCM đưa ra sau khi thụ lý hồ sơ vụ án tranh chấp thành viên công ty tại Eximbank của nguyên đơn Lê Minh Quốc. Ông Quốc cho rằng, việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT là trái với quy định của Eximbank.

Về phía người khởi kiện, trong đơn khiếu nại, HĐQT Eximbank cho rằng, ông Lê Minh Quốc không được quyền khởi kiện kết quả bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT mới của ngân hàng này nếu chiếu theo Luật Doanh nghiệp 2014.

 Bà Lương Thị Cẩm Tú, tân Chủ tịch HĐQT Eximbank

Theo khoản 1, Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014, người khởi kiện phải sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng.

Ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT như vụ án mà TAND TP đã thụ lý.

"Vì người khởi kiện không được quyền khởi kiện nên yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trái pháp luật" – Eximbank nêu rõ.

Về thẩm quyền thụ lý vụ án, Eximbank nhận định việc Tòa án thụ lý vụ kiện tranh chấp thành viên công ty của nguyên đơn Lê Minh Quốc là không đúng thẩm quyền nếu đối chiếu với Điều 31 trong Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Trước đó, ngày 22.3.2019, Eximbank bất ngờ thông báo việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2010 là bà Lương Thị Cẩm Tú, thay thế ông Lê Minh Quốc bị miễn nhiệm căn cứ theo Nghị quyết 112 của HĐQT.

Tuy nhiên, đến ngày 25.3, ông Lê Minh Quốc đã lên tiếng về những dấu hiệu “bất thường” trong hoạt động của HĐQT Eximbank, nhất là liên quan tới việc triệu tập cuộc họp HĐQT và ban hành Nghị quyết số 112 thông qua việc miễn nhiệm ông Quốc và bầu bà Tú thay thế chức Chủ tịch HĐQT- người được bầu vào HĐQT Eximbank hồi tháng 4.2018.

 

Ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT Eximbank vừa bị miễn nhiệm

Cùng ngày 25.3.2019, Eximbank đã phản hồi những thông tin lan truyền từ “tâm thư” của ông Lê Minh Quốc là không chính xác. Song Eximbank không cho biết số lượng thành viên đã tham dự cuộc họp quan trọng ngày 22.3.2019 để thay đổi Chủ tịch HĐQT.

Ngày 27.3, Toà án nhân dân TP.HCM đã ban hành quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục