Hết ồn ào của cựu Chủ tịch Phạm Văn Thông, Saigonbank bị “ông lớn” ngân hàng thoái vốn
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) vừa thông báo sẽ bán đấu giá công khai hơn 15,12 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (OTC: SGB). Mục đích là nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư của ngân hàng này.
Vietinbank sẽ thu về tối thiểu 300 tỷ đồng
Giá khởi điểm bán đấu giá được đưa ra là 20.100 đồng/cổ phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua là trong quý II.2019, tuy nhiên thời gian cụ thể sẽ được “ông lớn” này thông báo chính thức sau.
Với mức giá đưa ra, nếu bán thành công toàn bộ lượng cổ phiếu SGB đăng ký, VietinBank có thể thu về tối thiểu 300 tỷ đồng.
Trên thị trường OTC, thị giá cổ phiếu Saigonbank đang xoay quanh mức 9.000 – 10.000 đồng/cổ phần, giảm đáng kể so với đầu năm 2018 khi được giao dịch quanh mức 13.000 – 15.000 đồng/cổ phần ngày 19.01.2018. Tức là, mức giá cổ phiếu của Saigonbank trên OTC hiện chưa bằng một nửa so với giá mà VietinBank muốn bán.
Vào tháng 11.2017, ông lớn Vietinbank cũng đã bán đấu giá thành công 13,2 triệu cổ phần Saigonbank, giá đấu thành công bình quân lên tới 20.100 đồng/cổ phần, gấp 1,6 lần giá khởi điểm là 12.550 đồng/cổ phần, cao hơn giá giao dịch cổ phiếu của ngân hàng này trên thị trường OTC cùng thời điểm.
Trước đó, năm 2016, VietinBank đã bán gần 17 triệu cổ phần tương đương 5,48% vốn cổ phần Saigonbank với mức giá khởi điểm là 10.800 đồng/cổ phần, giảm sở hữu tại Saigonbank xuống 4,91% như hiện nay.
Chi phí dự phòng "bào mòn" 87% lợi nhuận năm 2018, cựu Chủ tịch gặp “tai tiếng”
Theo bản cáo bạch chào bán cổ phiếu do VietinBank công bố, đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Saigonbank đạt 20.273 tỷ đồng, giảm 4,44% so với đầu năm. Vốn điều lệ của ngân hàng vẫn ở sát mức tối thiểu 3.080 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn đạt 15,07%.
Về kết quả kinh doanh, năm 2018, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của ngân hàng đạt 1.522 tỷ đồng, tăng nhẹ 19 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 396 tỷ đồng, tăng 12,2% tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh tới 22% nên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 52,5 tỷ đồng, giảm 26% so với con số đạt được trong năm 2017. Lãi ròng năm 2018 chỉ đạt gần 42 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước.
Nguồn: VietstockFinance
Riêng trong quý IV.2018, SGB lỗ ròng gần 52 tỷ đồng, chỉ giảm so với con số lỗ hơn 129 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Như vậy, SGB mới chỉ thực hiện được 35% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018
Trong khi lợi nhuận “èo uột”, năm 2018 còn là 1 năm “thay máu” lãnh đạo cấp cao của Saigonbank.
Theo đó, giữa năm 2018, ông Phạm Văn Thông, Chủ tịch HĐQT thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2017 do không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền (Thành ủy TP HCM thoái 18% vốn).
Ông Phạm Văn Thông gia nhập HĐQT Saigonbank sau khi được bầu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017. Ông Thông khi đó là Phó chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM, và là người đại diện vốn góp được Văn phòng Thành ủy đề cử. Ông Phạm Văn Thông sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT Saigonbank, thay thế ông Trần Quốc Hải.
Cựu Chủ tịch HĐQT Saigonbank Phạm Văn Thông
Chỉ vài ngày sau, ngày 6.7, theo thông báo của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM, ông Thông và nhiều lãnh đạo Thành ủy TP.HCM khác đã bị kỷ luật do sai phạm trong vụ việc liên quan đến Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận hợp tác đầu tư để chuyển nhượng dự án Khu nhà ở tại phường An Phú, quận 2.
Theo đó, Ủy ban kiểm tra Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy, và đề nghị cho thôi chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công thương (Saigonbank)