dd/mm/yyyy

Hòa Phong đi lên từ thương mại dịch vụ

Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của xã Hòa Phong (Hòa Vang) ngày càng khởi sắc, hạ tầng cơ sở dần được hoàn thiện đã tạo đà cho thương mại dịch vụ (TMDV) phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Đòn bẩy từ TMDV

Bà Nguyễn Thị Vân – Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, xã Hòa Phong nằm ở vị trí trung tâm của huyện Hòa Vang, có đường Quốc lộ 14B và QL14G đi qua, có sông Túy Loan cùng khu phố chợ Túy Loan rất thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực thương mại dịch vụ (TMDV).

Diện mạo nông thôn ỏ Hòa Phong ngày càng khởi sắc nhờ nông thôn mới.
Diện mạo nông thôn ỏ Hòa Phong ngày càng khởi sắc nhờ nông thôn mới.

Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy tiểu thủ công nghiệp - thương mại du lịch (TTCN-TMDV) làm mũi nhọn, Đảng ủy, HĐND, UBND xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển TTCN - TMDV của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở các lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn; tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng của các ngành dịch vụ.

Khu phố chợ Túy Loan là nơi tập trung hàng nghìn hộ dân tham gia kinh doanh và buôn bán.
Khu phố chợ Túy Loan là nơi tập trung hàng nghìn hộ dân tham gia kinh doanh và buôn bán.

Thời gian qua, địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất các ngành nghề, làng nghề truyền thống chủ yếu như: Sản xuất gạch, chế biến gỗ, song may, cơ khí, bánh tráng Túy Loan và một số ngành nghề khác. Toàn xã có khoảng hơn 1.000 hộ tham gia buôn bán, tập trung tại khu phố chợ Túy Loan và rải rác trong các khu dân cư. Nhờ đó, tổng thu ngành TMDV năm 2018 là hơn 285,7 tỷ đồng, đạt 100,1% nghị quyết của HĐND, tăng 17,1% so với năm 2017.

Bánh tráng sẽ thành sản phẩm OCOP

Theo bà Vân, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thời gian qua xã đã hỗ trợ bảng hiệu cho các hộ sản xuất tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm bánh tráng Túy Loan đến thị trường tiêu dùng và các hội chợ phiên hàng nông sản, liên kết, thu hút hơn 100 lượt người từ các đoàn tham quan trong và ngoài nước.



“Hiện toàn xã có hơn 30 hộ tham gia sản xuất bánh tráng, 10 hộ sản xuất với quy mô lớn, tiêu biểu phải kể đến hộ bà Nguyễn Đặng Thái Hòa, Đặng Thị Tùng, Đặng Thị Túy Phong... Trung bình mỗi năm làng nghề bánh tráng Túy Loan bán ra thị trường khoảng 40.000 cái, bánh tráng Túy Loan thường bán chạy nhất vào dịp tết, nhiều năm cháy hàng” - Bà Vân nói.

“Làng nghề bánh tráng ở đây có truyền thống gần 100 năm tuổi, giải quyết được việc làm cho lao động nông nhàn cho địa phương, gia đình tôi có 3 lao động tham gia sản xuất bánh tráng, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 150-200 cái bánh tráng, mỗi lao động trung bình kiếm được từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày…” - bà Nguyễn Đặng Thái Hòa, hộ tham gia sản xuất bánh tráng Túy Loan lâu năm cho biết.

Làng nghề bánh tráng Túy Loan được địa phương chọn để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. TL
Làng nghề bánh tráng Túy Loan được địa phương chọn để thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. TL

Bà Vân cho biết, TMDV chính là động lực lớn giúp Hòa Phong đạt được nhiều tiêu chí để về đích NTM ngay trong năm 2015. Nhờ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nên kinh tế của địa phương luôn tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đạt trên 45,6 triệu đồng/năm (năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo còn 3,04%.

“Để tiếp tục xây dựng Hòa Phong phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới, việc tiếp tục giữ vững và nâng cấp 19 tiêu chí đã đạt là hết sức cần thiết trong quá trình đô thị hóa nông thôn, đồng thời là cơ sở để tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - bà Vân nhấn mạnh.

T.Hậu - H.Đoàn