Hơn 758.000 tỷ đồng vốn đầu tư giao thông Đông Nam bộ trong 10 năm tới

Nha Mẫn Thứ năm, ngày 24/11/2022 12:57 PM (GMT+7)
Hiện tại Đông Nam bộ được đánh giá là khu vực có hạ tầng giao thông đa dạng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, do đó để phát triển đồng bộ, tạo kết nối vùng, từ nay đến 2030 sẽ tiếp tục phải “chi lớn” để nâng chất cho hạ tầng giao thông.
Bình luận 0

Hệ thống giao thông đa dạng

Vùng Đông Nam bộ từ lâu đã được xác định ngoài là vùng kinh tế đầu tàu, động lực của cả nước còn có vai trò rất quan trọng trong việc liên kết, phát triển các vùng kinh tế khác. 

Nhu cầu vốn đầu tư giao thông Đông Nam bộ trong 10 năm là hơn 758.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hạ tầng giao thông đầy đủ, đa dạng nhưng vẫn còn có nhiều khó khăn, thường xuyên ách tắc giao thông. Ảnh: Nha Mẫn

Chính vì vậy, những năm qua, việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng. Nhất là trong tứ giác kinh tế gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống giao thông ngày càng được nâng chất với nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động; nhiều dự án đang triển khai; lên kế hoạch triển khai,… 

Đặc biệt trong vùng tứ giác này, công nghiệp phát triển mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước nên việc nâng cấp hạ tầng giao thông đã giúp tạo tiền đề phát triển đồng bộ kinh tế vùng.

Nhu cầu vốn đầu tư giao thông Đông Nam bộ trong 10 năm là hơn 758.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Cảng hàng không Long Thành trong tương lai. Ảnh: Nha Mẫn

Theo đánh giá của ngành GTVT, hiện kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ có đầy đủ 5 phương thức vận tải (vận tải đường bộ, vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không và vận tải đường ống). 

Trong đó hệ thống đường bộ đã đầu tư và đưa vào khai thác 2 tuyến đường cao tốc gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận cũng là 1 điểm sáng tháo gỡ một phần nào đó khó khăn về giao thông toàn tuyến qua các tỉnh thành trong khu vực.

Nhu cầu vốn đầu tư giao thông Đông Nam bộ trong 10 năm là hơn 758.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Công tác xây dựng sân bay Long Thành đang tích cực diễn ra. Ảnh: Nha Mẫn

Đặc biệt, hiện nay một số đoạn tuyến của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được đầu tư xây dựng gồm Bến Lức - Long Thành và Phan Thiết - Dầu Giây. Các dự án này nhiều tuyến cũng đã láng nền, xây dựng con lươn,… nhưng nhiều đoạn còn ngổn ngang. Tuy nhiên đều được ngành chức năng liên tục kiểm tra, đôn đốc tiến độ.

Một số tuyến giao thông khác như đường vành đai 3 - TP.HCM; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,… cũng là những tuyến giao thông được mong chờ, khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra một cú hích lớn cho khu vực.

Song song với đó, các tuyến đường thủy nội địa cũng đã hình thành các tuyến hành lang chính đóng vai trò kết nối nội vùng, liên vùng cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải. Hệ thống cảng biển trong vùng đang được đầu tư phát triển cơ bản theo quy hoạch với quy mô trang thiết bị hiện đại.

Đặc biệt theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Đồng Nai có 3 khu bến cảng biển được quy hoạch phát triển trong giai đoạn tới. Gồm khu bế Phước An, Gò Dầu, Phước Thái (trên sông Thị Vải) có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất, vùng nước trên sông Thị Vải thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. 

Nhu cầu vốn đầu tư giao thông Đông Nam bộ trong 10 năm là hơn 758.000 tỷ đồng - Ảnh 5.

Sân bay Côn Đảo dự kiến đầu tư mở rộng vào năm 2023. Ảnh: Nha Mẫn

Khu bến cảng này có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên với các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. 

Đối với cỡ tàu, khu bến này có thể đón tàu có trọng tải đến 60.000 tấn phía hạ lưu cầu Phước An và đến 30.000 tấn phía thượng lưu cầu Phước An đến Gò Dầu, Phước Thái phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tĩnh không công trình vượt sông.

Khu bến Nhơn Trạch có phạm vi quy hoạch bao gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng Đồng Nai, luồng Đồng Tranh thuộc địa phận Huyện Nhơn Trạch. 

Chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ với các bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Về cỡ tàu, khu bến có thể đón tàu trọng tải đến 45.000 tấn hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác tuyến luồng hàng hải và tỉnh không công trình vượt sông.

Nhu cầu vốn đầu tư giao thông Đông Nam bộ trong 10 năm là hơn 758.000 tỷ đồng - Ảnh 6.

Quốc lộ 51 hiện hữu đang quá tải vì lượng phương tiện quá đông. Ảnh: Nha Mẫn

Khu bến Long Bình Tân (trên sông Đồng Nai) gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Đồng Nai (phía hạ lưu cầu Đồng Nai). Chức năng là khu bến cảng vệ tinh, đầu mối gom hàng cho các cảng biển trong khu vực và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khu bến cảng này có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí vỡi cỡ tàu trọng tải đến 5.000 tấn. Cũng theo quy hoạch đã được phê duyệt, các cảng biển trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm cảng biển số 4.

Đầu tư tạo kết nối giao thông liên vùng

Đặc biệt vùng Đông Nam bộ có cảng Cái Mép - Thị Vải hiện là cảng thuộc nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Về đường hàng không, ngoài 2 sân bay đang khai thác và tiếp tục được đầu tư mở rộng là Tân Sơn Nhất và Côn Đảo, hiện sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang được đầu tư xây dựng với nhiều hạng mục đã hoàn thiện. 

Công tác xây dựng đang được tăng tốc để về đích đúng kế hoạch vào năm 2025. Và mới đây Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng vừa có yêu cầu nghiên cứu khả năng khai thác lưỡng dụng của ba sân bay quân sự Biên Hòa (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thành sân bay Lưỡng dụng. Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề xuất xây dựng sân bay 10.000 tỷ tại Gò Găng (TP.Vũng Tàu).

Nhu cầu vốn đầu tư giao thông Đông Nam bộ trong 10 năm là hơn 758.000 tỷ đồng - Ảnh 7.

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất xây dựng sân bay ở Gò Găng. Ảnh: Nha Mẫn

Mặc dù hệ thống giao thông tại Đông Nam Bộ khá đang dạng nhưng theo đánh giá, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của vùng Đông Nam bộ hiện vẫn còn nhiều hạn chế. 

Mới đây phát biểu tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nói rằng, các tuyến đường bộ liên vùng, hướng tâm, các tuyến giao thông kết nối các cảng biển, sân bay, cửa khẩu của vùng Đông Nam bộ hiện vẫn chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai 3, 4 TP.HCM và các tuyến cao tốc kết nối nội vùng, liên vùng. 

Trong khi đó, các tuyến đường sắt, đường sắt đô thị đầu tư chậm nên chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông. Các sân bay đầu tư chậm nên chưa đáp ứng nhu cầu vận tải. Việc kết nối với các phương thức giao thông chưa đồng bộ, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, kết nối liên vùng yếu và thiếu.

Nhu cầu vốn đầu tư giao thông Đông Nam bộ trong 10 năm là hơn 758.000 tỷ đồng - Ảnh 8.

Phối cảnh sân bay Long Thành trong tương lai. Ảnh: Nha Mẫn

Và mới đây trong chuyến thị sát tại dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, khi trực tiếp kiểm tra thực tế tiến độ dự án, ông Thắng đã tỏ ra khá sốt ruột vì nhiều đoạn thi công chậm so với kế hoạch. Đáng nói theo ông Thắng nhận định, báo cáo 1 đằng nhưng thực tế một nẻo. Do đó ông Thắng đã yêu cầu các nhà thầu phải tăng tốc thi công vì cao tốc đã lỡ hẹn, không thể tiếp tục lỡ hẹn thêm.

“Theo các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ giai đoạn từ năm 2021 - 2030 là hơn 758.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn từ năm 2021 - 2025 cần đến 342.000 tỷ đồng. Hiện nay, ngân sách trung ương đã bố trí được khoảng 60.800 tỷ đồng. Đối với giai đoạn từ năm 2026 - 2030 cần thêm hơn 396.000 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhu cầu vốn đầu tư giao thông Đông Nam bộ trong 10 năm là hơn 758.000 tỷ đồng - Ảnh 9.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiểm tra thực địa xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: Tuệ Mẫn

Phía lãnh đạo Bộ GTVT nói rằng giai đoạn tới sẽ ưu tiên đầu tư cho các công trình có vai trò động lực, lan tỏa của tất cả các phương thức vận tải gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bến Lức - Long Thành; TP.HCM - Mộc Bài; TP.HCM - Chơn Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu; Dầu Giây - Liên Khương; Gò Dầu - Xa Mát; Chơn Thành - Đức Hòa; Chơn Thành - Gia Nghĩa và 2 tuyến đường vành đai 3, 4 - TP.HCM. Cùng với đó, sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đối với đường sắt, sẽ thực hiện nâng cấp tuyến đường sắt quốc gia và đầu tư các tuyến đường sắt đô thị. Nghiên cứu đầu tư đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu và TP.HCM - Cần Thơ.

Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng nâng cấp hệ thống các tuyến đường thủy, cảng cạn để thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng. 

Thực hiện các dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam. Kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistics khu vực Cái Mép hạ và các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistics lớn. 

Hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế.

Riêng hàng không, sẽ đầu tư và đưa vào khai thác nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất. Tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án Sân bay Long Thành để nâng công suất lên 50 triệu lượt hành khách/năm. Hoàn thành nâng cấp sân bay Côn Đảo và nghiên cứu khai thác lưỡng dụng sân bay Biên Hòa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem