HSBC: Thời kỳ xuất khẩu "ngủ đông" đang tới?

07/12/2022 12:32 GMT+7
Kể từ khi xảy ra những căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất về thương mại và chuyển hướng FDI, đặc biệt thúc đẩy thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Cũng chính vì vậy xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn khi kinh tế Mỹ suy giảm.

Khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo "Vietnam At A Glance – Khó khăn bên ngoài gia tăng" với nội dung chính xoay quanh những điểm: Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhẹ khi thương mại toàn cầu chậm lại, lần đầu tiên chứng kiến xuất khẩu sụt giảm đáng kể so với hai năm trở lại đây. Sự sụt giảm bắt nguồn từ suy thoái kinh tế ở Mỹ, điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Và mặc dù nhu cầu nội địa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng trong tháng 11, lạm phát tiếp tục là một vấn đề đáng lưu tâm.

Thời kỳ xuất khẩu "ngủ đông" đang tới?

Trong hai năm vừa qua, các nhà xuất khẩu châu Á đã hưởng lợi nhiều nhờ nhu cầu đối với một số sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều lần xảy ra, nhìn chung, Việt Nam vẫn tỏ ra vượt trội, tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đà tăng trưởng này kéo dài tới sáu tháng đầu năm 2022, tuy nhiên, các dấu hiệu giờ đây cho thấy đã đến lúc ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.

Dữ liệu tháng 11 rất đáng lưu tâm: xuất khẩu giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều hơn so với dự báo của HSBC và thị trường (HSBC: -2,3%; BBG: -2,3%). Đây là lần đầu tiên trong vòng hai năm Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu do tình hình suy giảm ở tất cả các lĩnh vực.

HSBC: Thời kỳ xuất khẩu "ngủ đông" đang tới? - Ảnh 2.

Xuất khẩu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhẹ khi thương mại toàn cầu chậm lại.

Là một ngôi sao đang lên và đã thâm nhập sâu vào hệ sinh thái sản xuất toàn cầu, Việt Nam không tránh khỏi những tác động do đợt thương mại toàn cầu chậm lại đáng kể này, nói cách khác, giai đoạn "chững lại" đã tới. Cụ thể, chỉ số PMI đã liên tục giảm từ tháng 5 năm ngoái, đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9 với số lượng đơn hàng mới sụt giảm.

Việt Nam thuộc diện "đứng mũi chịu sào" xét về mức độ bị tác động. Kể từ tháng 9, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, trong đó, khoảng 90% phải giảm giờ làm.

HSBC: Thời kỳ xuất khẩu "ngủ đông" đang tới? - Ảnh 3.

chỉ số PMI đã liên tục giảm từ tháng 5 năm ngoái, đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9 với số lượng đơn hàng mới sụt giảm

Rõ ràng, nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực điện tử vốn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022, ảnh hưởng đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng nhiều hơn là sản phẩm công nghiệp.

Tác động xảy ra trên diện rộng tại ba điểm đến chính của xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc đại lục và châu Âu. Mặc dù vậy, các lĩnh vực xuất khẩu khác của Việt Nam lại có xu hướng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế đặc biệt là ở Mỹ.

Kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đã giành được thị phần lớn tại thị trường Mỹ, không chỉ thấy rõ trong những lĩnh vực xuất khẩu truyền thống sang Mỹ như hàng điện tử và dệt may/da giày mà còn mở rộng sang lĩnh vực mới như máy móc và sản phẩm gỗ.

Ví dụ, tỷ trọng xuất khẩu máy móc của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên 13% tổng kim ngạch xuất khẩu trong vòng bốn năm qua, chủ yếu nhờ sự tham gia ngày càng nhiều của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ bởi phần lớn xuất khẩu máy móc của Việt Nam liên quan tới hàng điện tử. Đồng thời, thị trường Mỹ cũng chiếm thế thống lĩnh với thị phần đã tăng hơn gấp ba trong chưa đầy 10 năm.

HSBC: Thời kỳ xuất khẩu "ngủ đông" đang tới? - Ảnh 5.

HSBC cho rằng Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn khi kinh tế Mỹ suy giảm

Việt Nam cũng đã hưởng lợi nhờ thị trường bất động sản Mỹ bùng nổ khiến nhu cầu nội thất gỗ tăng lên. Kết quả là Mỹ đã củng cố vị thế thống lĩnh đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, hiện đang chiếm 60% thị phần. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh nhà ở Mỹ đang bắt đầu chững lại trong bối cảnh lãi suất cầm cố tăng lên, xu hướng tương tự cũng đã thấy rõ ở thị trường bất động sản châu Âu. Tình trạng này đã dẫn tới sự suy giảm đáng kể trong xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Cuối cùng là xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, dệt may và da giày cũng đã bắt đầu đi xuống. Mặc dù hai lĩnh vực này vẫn hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng xuất khẩu trong Quý 3, nhưng đó chủ yếu là do hiệu ứng cơ sở thấp mà giờ đây không còn nữa. Trong bối cảnh lạm phát cao và tiêu dùng dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ ở các nước phương Tây (dịch vụ giờ đang chiếm khoảng 60%), chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ còn chứng kiến tình hình sụt giảm trong lĩnh vực này.

Lạm phát là vấn đề mới đáng lưu tâm

Bất chấp các yếu tố bên ngoài suy yếu, nhu cầu trong nước tiếp tục bùng nổ phần nào đem tới cứu cánh. Tuy tốc độ bắt đầu giảm nhiệt, doanh thu bán lẻ vẫn là trụ cột vững mạnh cho tăng trưởng trong tháng 11.

Mặc dù vậy, lạm phát đang là một vấn đề ngày càng đáng lưu tâm, vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần thứ hai. Lạm phát toàn phần trong tháng 11 tăng 0,4% so với tháng trước, tương đương mức 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lạm phát cơ bản gần đạt mức 5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu trong nước.

Mặc dù vậy, khác với các nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng, tạo áp lực tăng lạm phát toàn phần. Không chỉ giá xăng đã được điều chỉnh tăng lên mà chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng trên diện rộng.

Mặt khác, cũng giống như các quốc gia khác, lạm phát cơ bản đã tăng mạnh, phản ánh thị trường lao động đang được cải thiện. Vì vậy, cộng với hiệu ứng cơ sở không thuận lợi, các nhà nghiên cứu của HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ còn gia tăng trong vài tháng tới, khiến NHNN nhiều khả năng phải tiếp tục có những biện pháp tiền tệ để "hãm phanh".

.

Q. Nguyễn
Cùng chuyên mục