Huawei khủng hoảng giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

27/01/2020 17:40 GMT+7
Phía Mỹ đang gây sức ép với Anh nhằm không để Huawei chiếm thị phần trong mạng lưới 5G nước này.
Huawei khủng hoảng giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 1.

Các công ty công nghệ lớn toàn cầu đang là tâm điểm chú ý ở Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu tại Davos. Theo Chris Nuttall từ Financial Time, không có công ty nào đứng mũi chịu sào bằng Huawei, gã khổng lồ trong lĩnh vực 5G từ Trung Quốc hiện đang đứng giữa căng thẳng leo thang giữa cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

CEO Ren Zhengfei phát biểu rằng công ty mình “có thể sống sót dù Mỹ có tấn công mạnh hơn” với “ảnh hưởng rất nhỏ”. Tuy vậy, sức ép đặt lên công ty này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Con gái CEO Ren, CFO Meng Wanzhou xuất hiện tại phiên tòa xét xử ở Canada tuần này để chống lại yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ liên quan đến hành vi lừa đảo và chống lại lệnh trừng phạt, dù luật sư của bà này cho rằng tất cả đều “là sản phẩm của trí tưởng tượng”. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn Huawei tham gia vào quy trình phát triển của mạng 5G, công nghệ không dây tốc độ cao mới nhất đang phủ sóng ngày càng rộng khắp trên thế giới.

Anh đã có khoản đầu tư khá lớn vào công nghệ của Huawei, theo Steven Swinford và Francis Elliott trên tờ The Times – việc loại bỏ nó sẽ làm lãng phí hàng tỷ bảng Anh. Nhưng câu hỏi thật sự được đặt ra là Anh có nên nhượng bộ Mỹ hay không. Hội đồng bảo an quốc gia nước này sẽ có phiên gặp cuối tháng này để quyết định liệu có nên bật đèn xanh cho Huawei nhằm xây dựng một phần trong mạng lưới 5G ở nước này. Dù phía Mỹ công bố quyết định này có thể dẫn đến bất ổn bảo an, lãnh đạo Anh “đang hướng đến việc thông qua”. Chính phủ Anh tuần trước cáo buộc Mỹ đã thực hiện chiến dịch vận động hành lang để cố gây sức ép lên Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đe dọa cấm vận của Mỹ. Mỹ cũng đe dọa sẽ hạn chế chia sẻ thông tin tình báo với Anh trong khối đồng minh nếu Anh phê chuẩn vị trí 5G của Huawei.

Đây có lẽ sẽ là một trong những quyết định quan trọng nhất với chính phủ của ông Johnson, theo tờ Financial Time. Mạng không dây tốc độ nhanh có thể mở rộng kỉ nguyên công nghệ số, phát triển thành phố thông minh, xe tự động lái, thậm chí trong lĩnh vực y tế. Nhưng đổi lại, nó cũng sẽ tạo nên những “lỗ hổng” mới trong hoạt động tình báo và phá hoại. Cuối cùng, câu hỏi là quyền lợi của Anh hay Mỹ sẽ đến trước? Ngành công nghiệp di động ở Anh “rất cần Huawei”; các chuyên gia đánh giá gói sản phẩm của Trung Quốc không chỉ rẻ hơn mà còn tốt hơn so với hai nhà cung cấp khác là Nokia và Ericsson. Thêm vào đó, thay thế cơ sở vật chất được xây dựng sẽ khiến Anh lỗ hàng tỷ bảng Anh và gây thiệt hại đến chiến lược phát triển kinh tế nước này. 

Bài toán đang chờ lời giải đáp đối với chính phủ Anh.

Vân Anh
Cùng chuyên mục