Hưởng thuế 0% từ EVFTA, cà phê xuất khẩu vẫn chưa thể tận dụng
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2019, cà phê xuất khẩu Việt Nam đạt mốc hơn 1,65 triệu tấn, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu 2,86 tỷ USD.
Trong đó, EU là thị trường tiêu thụ cà phê xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thị phần 37,9% tính theo giá trị xuất khẩu.
Đến năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, cà phê xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường giảm nhẹ. Cụ thể, đối với thị trường EU, tính đến hết tháng 8/2020 Việt Nam xuất khẩu đạt 487,6 nghìn tấn, với kim ngạch 779,5 triệu USD giảm lần lượt 6,2% và 6,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, xuất khẩu cà phê qua EU ghi nhận sự khởi sắc khi đạt 38,6 nghìn tấn, trị giá 66,2 triệu USD, tăng lần lượt 5,3% về lượng và 8,95% về giá trị so với tháng 7/2020.
Theo nhận định của giới chuyên môn, đà phục hồi nói trên của cà phê xuất khẩu không liên quan nhiều đến việc thực thi Hiệp định EVFTA. Nguyên nhân là do, Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 nhưng đến ngày 16/9/2020, lô hàng cà phê đáp ứng tiêu chuẩn của EVFTA đầu tiên (296 tấn) mới được Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang EU.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex cho hay, thuế suất thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm như cà phê nhân xanh hoặc vỏ quả, vỏ lụa cà phê vào thị trường EU hiện tại đang là 0%.
Do đó, mặc dù cà phê được xếp vào danh mục A (giảm thuế về 0% ngay lập tức) theo Hiệp định EVFTA song sản phẩm này sẽ không có thêm lợi thế về thuế.
Ngoài ra, sản phẩm được hưởng lợi theo EVFTA là cà phê chế biến. Trước EVFTA, mức thuế áp dụng với cà phê chế biến nằm trong biên độ 7,5 - 11,5%, do đó với việc các mặt hàng này được giảm thuế ngay về 0% sẽ là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp.
Lý giải thêm nguyên nhân ngành cà phê chưa tận dụng được lợi ích từ EVFTA, đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, cà phê nhân xanh xuất khẩu sang EU theo nguyên tắc của Hiệp định cần đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy, tức là 100% phát triển từ vùng nguyên liệu nằm tại Việt Nam.
Trong khi đó, cà phê chế biến lại cần đáp ứng yêu cầu về gia công chế biến sâu (sử dụng kỹ năng đặc biệt, máy móc, thiết bị chuyên dụng,..) và không nằm trong danh sách liệt kê các các công đoạn gia công, chế biến đơn giản của EVFTA.
"Ví dụ công đoạn bóc vỏ, trích hạt và tách vỏ quả, hạt được xem là công đoạn chế biến đơn giản, chưa phải là chế biến sâu. Hoạt động gia công, chế biến nêu trên cần phải thực hiện tại lãnh thổ của nước thành viên. Thêm vào đó, tương tự với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm khác; cà phê cần đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (SPS)", đại diện Bộ Công Thương phân tích.
Đắk Lắk hướng tới sản xuất cà phê thông minh kết hợp phục hồi rừng