Đắk Lắk hướng tới sản xuất cà phê thông minh kết hợp phục hồi rừng

30/10/2020 06:36 GMT+7
Sáng 29/10, Trung tâm nghiên cứu Lâm Nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos VN) tổ chức hội thảo tham vấn sản xuất cà phê thông minh, kết hợp phục hồi rừng ở vùng lưu vực sông Srêpôk.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá hiện trạng sản xuất cà phê, các mô hình cà phê thông minh đang được thực hiện, những thuận lợi và khó khăn trong phát triển cà phê thông minh tại Đắk Lắk. Theo các chuyên gia, Đắk Lắk có đầy đủ yếu tố thuận lợi để thực hiện mô hình nông lâm kết hợp, trong đó có mô hình cà phê thông minh kết hợp phục hồi rừng lưu vực sông Srepok.

Nếu vận dụng khéo léo và phù hợp mô hình nông lâm kết hợp, nông dân có thể giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nguy cơ phát thải khí nhà kính, làm tăng khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn mô hình nông lâm kết hợp ở Đắk Lắk vẫn đang áp dụng theo tư duy nông nghiệp nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Đắk Lắk hướng tới sản xuất cà phê thông minh kết hợp phục hồi rừng - Ảnh 1.

Mô hình trồng cà phê mang hệ sinh thái rừng

“Vì sao phải mang tính rừng, vì rừng mới chống biến đổi khí hậu, rừng mới có chỉ số cácbon, chỉ số xanh, rừng không yêu cầu nước tưới, không yêu cầu thuốc bảo vệ thực vật, không yêu cầu phân. Nếu chúng ta vẫn tiếp cận theo kiểu nông lâm kết hợp là một hệ thống nông nghiệp thì vẫn thất thế lâu dài. Hiện nay phải tiếp cận cảnh quan xem hệ thống nông lâm kết hợp là xương sống của nó với góc nhìn hệ thống nông nghiệp vùng nông nghiệp là một kiểu rừng”, TS. Phạm Công Trí nói.

TS. Phạm Công Trí cho rằng, nếu vùng sản xuất này có đủ hoặc tiếp cận tính chất rừng thì mọi chứng nhận đều trở nên đơn giản. Tiền thay vì đi chứng nhận thì sẽ đi vào nông sản và mọi thứ thuận tự nhiên mang tính thiên nhiên thì giá bao giờ cũng tốt.

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, sản xuất cà phê thông minh, kết hợp phục hồi rừng ở vùng lưu vực sông Srepok, tỉnh Đắk Lắk sẽ là một trong những giải pháp góp phần khắc phục tình trạng suy thoái tài nguyên rừng hiện nay, tạo cảnh quan bền vững trong phát triển nông nghiệp.

Đắk Lắk hiện có khoảng 203.000 hecta trồng cà phê, trong đó diện tích trồng xen hơn 39.000 hecta (chiếm hơn 19%). Trong đề án phát triển cà phê bền vững, Đắk Lắk đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 90.000 hecta cảnh quan bền vững để xác nhận thương mại hoá diện rộng./.

Theo Hương Lý/VOV
Cùng chuyên mục