Hụt hơi cuộc đua thịt heo thương hiệu
Nhiều cửa hàng kinh doanh thịt heo ở TP HCM gần đây đóng cửa, trả mặt bằng. Một số thương hiệu thịt heo xuất hiện trên kệ các siêu thị, cửa hàng không được bao lâu thì lặng lẽ biến mất. Chỉ những thương hiệu có lợi thế về kênh phân phối mới có thể tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ưu tiên giá rẻ
Chị Trần Thị Liễu (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết khoảng nửa năm nay đã quay lại mua thịt heo ở chợ gần nhà, không còn mua thịt heo thương hiệu ở cửa hàng. Nguyên nhân khiến chị phải hạ tiêu chí thực phẩm phục vụ bữa ăn gia đình là bởi thu nhập giảm mạnh. "Thịt ba rọi ở cửa hàng thường có giá 180.000 - 200.000 đồng/kg nhưng ở chợ chỉ 150.000 đồng/kg. Chưa kể, nếu mua thịt heo ở cửa hàng thì sau đó vẫn phải ra chợ mua rau, rất mất thời gian" - chị Liễu so sánh.
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ Homefarm, dù thịt heo cung cấp đến hơn 60% nguồn đạm trong bữa ăn gia đình người Việt nhưng vẫn không tránh khỏi việc bị cắt giảm nhu cầu khi kinh tế khó khăn. Người tiêu dùng sẵn sàng chuyển từ thịt heo tiêu chuẩn cao sang tiêu chuẩn thấp hơn hoặc thực phẩm khác có giá rẻ hơn như cá, gà, đậu phụ... "Doanh số mặt hàng thịt heo của Homefarm giảm 30%. Chúng tôi đã nỗ lực rất lớn để giữ sức mua bằng các chương trình khuyến mãi, kích cầu, nếu không doanh số còn giảm sâu hơn nữa" - ông Trường cho hay.
Mới đây, Greenfeed Việt Nam - chủ sở hữu chuỗi bán lẻ thịt heo G Kitchen - công bố thông tin lỗ 19 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, chuỗi bán lẻ này ghi nhận lãi sau thuế hơn 617 tỉ đồng và cả năm 2022 đạt lợi nhuận 417 tỉ đồng. Một số cửa hàng G Kitchen đã phải đóng cửa do hoạt động không hiệu quả; những cửa hàng còn hoạt động phải bán thêm nhiều mặt hàng khác như thủy sản, thịt bò, rau quả.
Với sản phẩm thịt "heo ăn chuối", "ông bầu" Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), xác nhận chỉ có lãi ở mảng nuôi heo hơi, còn mảng phân phối thương hiệu thịt heo Bapi HAGL bị lỗ. Đại diện Bapi HAGL cho biết đang tổ chức lại khâu phân phối theo hướng rút gọn từ 200 điểm bán xuống hơn 50 điểm bán, trong đó có nhiều điểm bán tại siêu thị.
Một chuyên gia trong ngành bán lẻ chỉ ra nhiều cửa hàng thịt heo phải đóng cửa do chọn chiến lược không phù hợp. "Mở cửa hàng độc lập sẽ phải gánh chi phí cao lại không thuận tiện và không phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Việt. Sản phẩm phải được bán trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm tổng hợp hoặc nơi gần chợ thì mới có khách hàng" - chuyên gia này nói.
Người tiêu dùng Việt vẫn có thói quen mua thịt heo nóng, chưa thật sự ưa chuộng thịt mát. Ảnh: AN NA
Rút ngắn khoảng cách giá
Ông Quách Phong, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Ipsos Việt Nam, nhìn nhận sản phẩm thịt mát hiện mới chiếm thị phần 7% nên tiềm năng còn lớn. Mảng kinh doanh này đang gặp khó do giá cao trong khi kinh tế đang khó khăn nên người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm vừa túi tiền. "Doanh nghiệp (DN) có thể cân nhắc đưa ra sản phẩm có giá và chất lượng ở điểm giữa thịt mát tiêu chuẩn cao và thịt bán ở chợ lẻ. Đây có thể là thịt nóng nhưng an toàn, có thương hiệu và giá hợp lý hơn" - ông Phong gợi ý.
Dù nhìn chung thị trường khó khăn nhưng vẫn có thương hiệu thịt mát khá thành công trong việc thu hút và giữ chân khách hàng. 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Công ty CP Masan MEATLife (sở hữu thương hiệu thịt mát MEATDeli) tăng 61,1% so với cùng kỳ năm ngoái. DN này đã thu hẹp khoảng cách giá thịt heo thương hiệu với thịt bán ở chợ truyền thống thông qua chương trình giảm giá 20% độc quyền cho hội viên. Nhờ vậy, doanh thu theo ngày của công ty tại hệ thống Winmart, Winmart+/WIN tăng 30%.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Masan MEATLife, cho rằng sự cạnh tranh gay gắt của nhiều thương hiệu, DN lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gia súc là tín hiệu tốt đối với người tiêu dùng. Các DN buộc phải đưa ra nhiều sản phẩm tiêu chuẩn cao để cạnh tranh. Ngược lại, sự cạnh tranh trên thị trường khiến người tiêu dùng càng chú ý hơn đến dòng sản phẩm chất lượng này, kéo nhu cầu tăng lên.
Nhằm thích ứng với thị trường, Japfa - DN thuộc tốp đầu lĩnh vực thức ăn chăn nuôi - đã phát triển hơn 40 cửa hàng Japfa Best cùng hàng trăm điểm bán trên cả nước chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống, chế biến. Tuy nhiên, DN phải chuyển hướng khai thác kênh online nhiều hơn; phân phối vào chuỗi siêu thị, bếp ăn; đóng cửa một số cửa hàng hoạt động không hiệu quả. "Đối tượng khách hàng chính của chúng tôi là dân văn phòng, những người không có thời gian đi chợ sớm; dự báo nhóm khách này sẽ tăng nhanh. Chúng tôi có lợi thế về nguồn thịt chất lượng cao, giá bán rất cạnh tranh cùng việc cải tiến dịch vụ, giao hàng để thu hút khách" - đại diện Japfa tự tin.
Rào cản từ thói quen tiêu dùng
Ông Bùi Văn My, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) - chủ quản hệ thống Sagrifood, cho rằng dù thịt mát đóng gói sẵn an toàn hơn so với thịt heo nóng nhưng nhiều người Việt vẫn chưa thay đổi thói quen tiêu dùng. Mặt khác, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng thiếu thiện cảm với thịt mát vì cho rằng đây là thịt đông lạnh nhập khẩu rồi rã đông. Do đó, có giai đoạn đồng loạt nhiều thương hiệu thịt heo đóng hộp phải quay lại kinh doanh heo mảnh lớn, pha lóc tại chỗ theo yêu cầu của người tiêu dùng.