IATA: Ngành hàng không có thể đạt lợi nhuận 25,7 tỷ USD vào năm 2024
Theo IATA, ngành hàng không toàn cầu phần lớn đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, giai đoạn khiến các máy bay phải ngừng bay và hành khách ngần ngại lựa chọn phương tiện này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu đã bắt đầu bùng nổ trên khắp các khu vực Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Âu.
Tính riêng, năm 2023 ngành hàng không ghi nhận lợi nhuận ròng dự kiến là 23,3 tỷ USD và tỷ suất lợi nhuận 2,6%.
Trong khi đó, IATA dự báo năm 2024, ngành hàng không đạt lợi nhuận ròng 25,7 tỷ USD và tỷ suất lợi nhuận 2,7%; doanh thu được dự đoán sẽ đạt mức kỷ lục 964 tỷ USD, chi phí đầu tư cao do lãi suất tăng đang gây lo ngại cho các hãng hàng không.
IATA cho rằng, trung bình các hãng hàng không sẽ chỉ giữ lại 5,45 USD thu được từ mỗi hành khách chuyên chở - một con số khá khiêm tốn nhìn từ góc độ của ngành này.
Đặc biệt, dự báo số lượng khách du lịch trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức cao lịch sử, với 4,7 tỷ lượt người dự kiến sẽ đi du lịch vào năm 2024 so với 4,5 tỷ hồi năm 2019.
Cùng với đó, nhiều quốc gia tụt hậu trong quá trình phục hồi du lịch chẳng hạn như Trung Quốc sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2024. Hiện, du lịch quốc tế của nước này vẫn thấp hơn 40% so với mức trước đại dịch.
IATA cảnh báo tình trạng bất ổn toàn cầu, như tình hình chiến tranh tại Trung Đông và Ukraine có thể tác động tiêu cực đến lĩnh vực này, đặc biệt khi chúng tiếp tục đẩy giá dầu tăng. Giá nhiên liệu máy bay dự kiến sẽ chiếm tới 31% tổng chi phí vận hành của các hãng hàng không.
Số liệu tổng hợp 9 tháng năm 2023 vừa được Cục Hàng không Việt Nam công bố, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) của Bamboo Airways là 92,4%, cao hơn tỷ lệ trung bình của toàn ngành là 85%.
VASCO và Vietravel đứng ở các vị trí tiếp theo với tỷ lệ OTP lần lượt là 91% và 87,2%. Vietnam Airlines và Pacific Airlines lần lượt có tỷ lệ cất cánh đúng giờ là 86,5% và 84,2%. Vietjet Air là hãng có tỷ lệ bay đúng giờ thấp nhất trong giai đoạn này với 80,3%.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các hãng hàng không nội địa ghi nhận 15% chuyến bay chậm giờ, tương ứng 33.227 chuyến bay; 715 chuyến bay bị hủy chiếm tỷ lệ 0,3%.
Theo đó, Vietjet Air và Pacific Airlines là hai hãng có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất với 19,7% và 15,8%. Vietnam Airlines, Vietravel và VASCO ghi nhận tỷ lệ chậm chuyến lần lượt 13,5%, 12,9% và 9%. Với các hãng hàng không nội địa, Bamboo Airways ghi nhận tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất toàn ngành với 7,6%.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm chuyến của các hãng là do trang thiết bị và dịch vụ tại Cảng; quản lý và điều hành bay; hãng hàng không; thời tiết; tàu bay về muộn và các lý do khác. Trong đó, tàu bay về muộn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong giai đoạn này.