IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn Châu Á, Trung Quốc là ngoại lệ

22/10/2020 14:51 GMT+7
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF mới đây dự báo sự phục hồi kinh tế của khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ chậm lại trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn Châu Á, Trung Quốc là ngoại lệ - Ảnh 1.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn Châu Á, Trung Quốc là ngoại lệ

IMF ước tính nền kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương giảm tốc khoảng 2,2% trong năm 2020, tức điều chỉnh giảm 0,6% so với dự báo mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 6. Nguyên nhân được cho là do ước tính suy thoái mạnh mẽ hơn dự kiến ở một số quốc gia như Ấn Độ, Philippines và Malaysia.

Trong khuôn khổ báo cáo mới công bố, IMF nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc lên 1,9% trong năm 2020 do sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong quý II và quý III. Trung Quốc mới đây vừa báo cáo tăng trưởng GDP quý III đạt 4,9%, được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản cũng như kim ngạch xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết bị y tế, đồ bảo hộ…

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, nợ công Trung Quốc đã tăng 5,68 nghìn tỷ NDT (849,5 tỷ USD), tức tăng 35,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khoản nợ chính quyền địa phương đã tăng đáng kể sau khi chính phủ trung ương dỡ bỏ hạn ngạch trái phiếu và chấp nhận nâng thâm hụt ngân sách lên mức kỷ lục nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định nền kinh tế lao đao vì khủng hoảng dịch bệnh.

Trái ngược với triển vọng lạc quan tại Trung Quốc, IMF dự báo các nền kinh tế Ấn Độ và Philippines sẽ chìm sâu hơn vào suy thoái trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và chính phủ buộc phải gia hạn các đợt đóng cửa để ngăn chặn sự bùng phát của virus.

Dự báo cho năm tiếp theo, IMF ước tính khu vực kinh tế Châu Á Thái Bình Dương sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2021. 

“Nhìn chung, các dự báo của chúng tôi vẫn dựa trên giả định rằng nhu cầu trong nước tiếp tục giảm do các biện pháp kiểm soát và cách ly xã hội, hoạt động du lịch yếu kém và sự phục hồi thương mại mờ nhạt”  - trích lời ông Jonathan Ostry, Giám đốc bộ phận Châu Á và Thái Bình Dương của IMF. 

Các chuyên gia IMF dự kiến hoạt động kinh tế sẽ khôi phục lại mức bình thường ở các thị trường mới nổi vào năm 2021. Riêng tại Nam Á, quá trình phục hồi có thể chậm hơn đáng kể do việc đóng cửa biên giới thời gian dài. Đáng nói hơn, một số quốc gia, đảo quốc ở khu vực này như Maldives phụ thuộc nhiều vào hoạt động du lịch - một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19.

Báo cáo của IMF đồng thời chỉ ra rằng các chỉ số lao động trên thị trường toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang ảm đạm hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. “Tổng số giờ làm việc đã giảm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và sự tham gia của lực lượng lao động thì giảm xuống, đặc biệt với phụ nữ và lao động trẻ tuổi”.

Thêm vào đó, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trên hàng loạt mặt trận từ thương mại, tài chính đến công nghệ có nguy cơ gây ra những rủi ro kinh tế lớn với tăng trưởng của Châu Á, IMF cho hay. Cơ quan này cũng cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo gây ra thiệt hại nặng nề hơn cho các nền kinh tế. 


NTTD
Cùng chuyên mục