IMF hạ dự báo kinh tế toàn cầu, cảnh báo nợ công lên mức cao nhất mọi thời đại

25/06/2020 09:27 GMT+7
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hôm 24/6 vừa tiếp tục hạ dự báo kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo môi trường tài chính công sẽ ảm đạm đáng kể khi các chính phủ nỗ lực cứu vãn nền kinh tế sụp đổ do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
IMF hạ dự báo kinh tế toàn cầu, cảnh báo nợ công lên mức cao nhất mọi thời đại - Ảnh 1.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai nguy cơ bùng phát trên toàn cầu có thể kéo dài thời gian cách ly xã hội, gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế

IMF ước tính GDP toàn cầu năm 2020 sụt giảm -4,9%, thấp hơn nhiều mức -3% mà cơ quan này cảnh báo hồi tháng 4. “Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đáng kể đến hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 so với dự đoán ban đầu. Sự phục hồi kinh tế cũng được cảnh báo giảm so với mức dự đoán trước đó” - IMF cho biết trong bảng cập nhật tổng quan tình hình kinh tế thế giới.

IMF đồng thời hạ dự báo GDP toàn cầu năm 2021 từ mức tăng trưởng 5,8% xuống còn 5,4%. Mức tăng trưởng này phản ánh sự phục hồi hoạt động kinh tế từ mức sụt giảm kỷ lục của năm 2020.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế giải thích rằng những sửa đổi tiêu cực như vậy là do các biện pháp cách ly xã hội có nguy cơ tồn tại trong nửa cuối năm nay cùng nguy cơ tái bùng phát dịch lần hai. Trong trường hợp đó, năng suất sản xuất và toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng trì trệ theo. Tại các nền kinh tế vẫn đang vật lộn với số ca nhiễm mới cao như Mỹ và một số nước Nam Mỹ, IMF dự báo các lệnh hạn chế kiểm dịch sẽ khiến hoạt động kinh tế giảm tốc hơn nữa.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo các dự báo còn nhiều bất ổn, do hoạt động kinh tế sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố không chắc chắn như thời gian xảy ra đại dịch, thời gian các quốc gia áp đặt cách ly xã hội tự nguyện, sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và trạng thái của thị trường lao động.

Trong đó, lao động được xem là yếu tố tiên quyết cho sự phục hồi kinh tế. “Sự giảm mạnh các hoạt động kinh tế trong thời gian qua là cú đấm thảm khốc vào thị trường lao động toàn cầu. Sự sụt giảm số giờ làm việc trong quý II năm nay có thể tương đương với mức mất mát 300 triệu việc làm toàn thời gian trên khắp thế giới”.

Tác động thể hiện rõ nhất với những người lao động tay nghề thấp, những người làm việc tại nhà. Theo IMF, phân bổ tổn thất thu nhập hiện không đồng đều giữa hai giới tính, trong đó phụ nữ chịu ảnh hưởng nhiều hơn trong làn sóng mất việc ở một số quốc gia.

Theo dự báo cụ thể cho các quốc gia, IMF dự kiến kinh tế Mỹ giảm tốc -8% trong năm nay, khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với ít nhất 2,1 triệu ca nhiễm và 120.000 ca tử vong. 

Quỹ này cũng hạ dự báo kinh tế khu vực đồng EURO, cảnh báo nền kinh tế Liên minh Châu Âu chứng kiến tăng trưởng GDP -10,2% trong năm 2020.

Brazil, một trong những ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới dự kiến giảm tốc 9,1%. Mexico và Nam Phi cũng là hai quốc gia chứng kiến kinh tế suy yếu mạnh mẽ, với mức giảm lần lượt 10,5% và 8%.

Để giảm thiểu tối đa tác động kinh tế mà đại dịch gây ra, các chính phủ trên toàn cầu đã công bố hàng loạt gói kích thích tài chính và tín dụng mới. Kết quả là môi trường tài chính công toàn cầu đang xấu đi đáng kể do nguy cơ thâm hụt ngân sách nhà nước. 

IMF dự báo nợ công toàn cầu dự kiến tăng mạnh lên hơn 100% GDP trong năm nay do những gói kích thích tài chính khổng lồ của các quốc gia. Cụ thể, nợ công toàn cầu sẽ lên mức cao nhất mọi thời đại năm 101,5% năm 2020 và thậm chí cao hơn nữa, 103,2% GDP vào năm 2021. Ngoài ra, thâm hụt tài khóa chính phủ có thể tăng vọt lên 13,9% trong năm nay, tức cao hơn 10% so với năm 2019.

Tính đến nay, theo số liệu từ Đại học John Hopkins, toàn cầu xác nhận hơn 9 triệu ca nhiễm Covid-19. Trong đó, Mỹ, Brazil và Nga là 3 ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục