Sri Lanka "xa lánh" IMF, tìm đến Trung Quốc để vay tiền

12/10/2020 14:46 GMT+7
Chính phủ Sri Lanka đang xem xét nhận nguồn hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc thay vì gói cứu trợ của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF để tránh rủi ro vỡ nợ nước ngoài.
Sri Lanka "xa lánh" IMF, tìm đến Trung Quốc để vay tiền - Ảnh 1.

Sri Lanka "xa lánh" IMF, tìm đến Trung Quốc để vay tiền

Tờ Nikkei Asian Review đưa tin tính đến tháng 6/2020, tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka đã lên tới 50,8 tỷ USD, trong đó nợ Trung Quốc chiếm khoảng 10%. Các khoản nợ này chủ yếu là tiền Bắc Kinh đầu tư cho một số dự án cơ sở hạ tầng bao gồm phát triển cảng Colombo. Nợ công tính chung của nền kinh tế đã chạm mức 83% tổng GDP vào cuối năm 2019 và dự kiến sẽ vượt GDP vào cuối năm nay. Thâm hụt thương mại trung bình khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.

Chính phủ Sri Lanka hiện đang rất cần tiền mặt để trang trải khoản nợ hơn 15 tỷ USD với các chủ nợ nước ngoài. Hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đã giúp giảm bớt gánh nặng nợ bằng cách bơm thêm 500 triệu USD cho Sri Lanka như một phần gói vay hợp vốn trị giá 1,2 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

"Chúng tôi đã liên hệ với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Chúng tôi hiện đang đàm phán về khoản vay 700 triệu USD bổ sung” - trích lời ông Nivard Cabraal, Bộ trưởng Bộ Tiền tệ, thị trường vốn và cải cách doanh nghiệp nhà nước Sri Lanka. Đợt vay bổ sung thứ hai dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm nay. “Nếu chúng ta phải nắm lấy tay IMF (tức nhận gói cứu trợ từ tổ chức này), thì theo tôi, đó là một tín hiệu đáng nguy hiểm”.

Việc Sri Lanka ưa vay nợ từ Trung Quốc gắn liền với lịch sử vay nợ phức tạp của đất nước này với IMF. Trong 55 năm qua, Sri Lanka đã 16 lần cần đến các gói cứu trợ từ IMF, chỉ đứng sau Pakistan, quốc gia nhận cứu trợ của IMF 20 lần. Nhưng chỉ 9 trong số 16 chương trình tín dụng mà IMF triển khai ở Sri Lanka hoàn thành tốt đẹp. Lần cuối cùng Sri Lanka tìm đến gói vay của IMF là vào năm 2016, khi nước này xin một quỹ hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ USD nhưng sau đó đột ngột chấm dứt thỏa thuận do chính quyền mới lên nắm quyền.

Nỗ lực tìm kiếm thêm các khoản vay quốc tế của Sri Lanka đã phải đối mặt với lực cản lớn do hàng loạt xếp hạng tiêu cực từ các tổ chức tài chính uy tín. Gần đây, Moody's Investors Service đã hạ cấp quốc gia này từ mức B2 xuống CAA1, tức trái phiếu rác. Đây là một đòn giáng nặng nề với nền kinh tế Sri Lanka vốn đang túng quẫn và chỉ chứng kiến mức tăng trưởng khoảng 0,5% do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Đầu tháng 10 qua, chính phủ Sri Lanka vừa phải thanh toán 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế đáo hạn bằng nguồn dự trữ ngoại hối vốn đã chạm đáy chỉ còn 6,4 tỷ USD. Các khoản nợ trái phiếu lớn với mức thanh toán hàng năm từ 4,5- 5 tỷ USD dự kiến sẽ đến kỳ đáo hạn trong khoảng 3 năm tới.

Murtaza Jafferjee, giám đốc điều hành của JB Securities, một công ty tư vấn tài chính ở Colombo (thủ phủ Sri Lanka) cho hay: “Sau khi bị Moody’s hạ cấp, nếu không có chương trình của IMF, Sri Lanka sẽ gần như không thể tiếp cận thị trường vay nợ quốc tế… Một chương trình của IMF sẽ đưa Sri Lanka trở lại con đường nợ bền vững, qua đó cho phép Sri Lanka vay trở lại”. 

Trong khi đó, chính phủ Sri Lanka lại đang tỏ ra ung dung trước những đánh giá tiêu cực từ các tổ chức tín dụng. Nhận định về động thái này, ông Prasanna Athukorala, cựu quản lý danh mục đầu tư cấp cao của AMP Capital Investors (Sydney) cho hay: “Sri Lanka không thể phớt lờ quan điểm của các cơ quan xếp hạng. Chúng được chấp nhận rộng rãi vì tính độc lập và khách quan”.

Thêm vào đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng Sri Lanka khó mà huy động nguồn USD từ Trung Quốc để giải quyết các khoản nợ với phương Tây. “Trung Quốc không muốn tiền của họ được sử dụng để trả nợ cho các chủ nợ phương Tây” - Verite Research cho hay.


NTTD
Cùng chuyên mục