Kết phiên giằng co, VN-Index mất hơn 3 điểm
Toàn thị trường ghi nhận 27 mã tăng trần, 294 mã tăng, 427 mã giảm và 844 mã đứng tham chiếu. Riêng rổ VN30 có11 mã tăng, 17 mã giảm, 2 mã đứng tham chiếu.
Trên sàn HoSE, thanh khoản trầm lắng với 455,72 triệu đơn vị khớp lệnh, tương ứng giá trị đạt 10.453 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu BID, FPT, SSB, TCB, HVN... có tác động tiêu cực khi lấy đi 3,35 điểm của chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, đóng góp 1,56 điểm cho chỉ số là các mã VCB, SSI, BVH, LPB, TPB...
Thị trường giằng co nhưng phe bán vẫn áp đảo đến cuối phiên. Tuy nhiên, điểm sáng vẫn đến từ một số cổ phiếu tăng trần như COM, STK, SVD, NAF, CMS, SPI, NFC, HMR...
Phiên hôm nay, các nhóm ngành phân hóa quanh biên độ 1-2%, ghi nhận nhóm cổ phiếu bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm (+3,12%) tăng mạnh nhất với động lực chủ yếu vẫn đến từ HVA. Theo sau là bán dẫn +1,33%, bảo hiểm +0,91%,...
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu viễn thông (-2,42%), dịch vụ chuyên biệt và thương mại (-1,18%) có mức giảm sâu.
Ở nhóm tài chính, VPB, MBB, SSI là những mã có thanh khoản tốt, dẫn đầu ngành. Một số cổ phiếu có diễn biến tích cực ở nhóm tài chính như SSI +1,33%, MBS +1,76%,..
Nhóm cổ phiếu bất động sản gây sức ép lên thị trường khi áp lực bán chủ yếu diễn ra ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, VRE, DIG, HDG...
Phiên hôm nay, tại sàn HoSE, khối ngoại giao dịch ảm đạm khi mua ròng với giá trị gần 70 tỷ đồng, tập trung gom MWG, HCM, NAB, DGC,... Ở chiều ngược lại, khối này xả VRE, VND, VNM,...
Nhận định về giao dịch tuần này (23-27/9), ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VNDIRECT nhấn mạnh đến động thái cắt giảm lãi suất vừa qua của Fed. Nguyên nhân do sự kiện này chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới triển vọng thị trường tài chính toàn cầu nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Theo chuyên gia, việc cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất điều hành giống như "một sự can thiệp trước" của Fed hơn là "một hành động chữa cháy" khi mọi thứ đã quá muộn màng. Cùng với động thái hạ lãi suất, Fed cũng đưa ra những thay đổi khá nhất quan như hạ dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - về mức 2,3% vào cuối năm nay, từ dự báo 2,6% trước đó, và tiếp tục giảm về 2,1% vào cuối năm 2025.
Theo đó, chuyên gia VNDIRECT duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm và kịch bản VN-INDEX vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi.
Ông Hinh nêu, thứ nhất, chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng hơn. Thứ hai, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường.
"Do đó những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp", theo ông Hinh nhận định.