Khách du lịch đến Quảng Ngãi tăng vọt, lộ diện những điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp "cực chill"
Phát huy lợi thế, tiềm năng
Quảng Ngãi là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều di sản văn hóa, cảnh đẹp từ miền biển, đồng bằng đến miền núi như: Đảo Lý Sơn, biển Sa Huỳnh, biển Mỹ Khê, biển Khe Hai, núi Thiên Ấn, Thảo nguyên Bùi Hui, Rừng đước Bàu Cá Cái, Thác Trắng, núi Cà Đam, Suối thác Trà Bói, Công viên di sản làng Gò Cỏ, khu du lịch Bãi Dừa,…
Quảng Ngãi còn có rất nhiều lễ hội đặc sắc, đậm nét văn hóa truyền thống như: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, Lễ hội Điện Trường Bà ở huyện Trà, Lễ cầu ngư Sa Huỳnh ở thị xã Đức Phổ, Lễ hội Chùa Ông ở huyện Tư Nghĩa, Lễ hội đua thuyền…
Ông Hồ Trọng Phương – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Việc phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Với tỉnh Quảng Ngãi, thời gian gần đây nhu cầu dịch vụ du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều khu, điểm du lịch làng quê, du lịch nông nghiệp khá hấp dẫn và thu hút được nhiều du khách.
"Điển hình như Du lịch cộng đồng Thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành; Du lịch trãi nghiệm ở Cánh rừng ngập mặn Bàu Cá Cái huyện Bình Sơn; Du lịch cộng đồng Làng Teng, huyện Ba Tơ; Du lịch trãi nghiệm chèo ghe tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi; Du lịch cộng đồng Làng Gò cỏ, thị xã Đức Phổ, ..." – Ông Phương chia sẻ.
Theo ông Phương, nhận thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng mang lại, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong đó tâp trung phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồngg ắn với xây dựng Nông thôn mới. Đây là giải pháp giúp người dân có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao dân trí, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển nông thôn văn minh, hiện đại phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các khu, điểm du lịch hút khách
Ông Ung Đình Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Với điều kiện địa lý thuận lợi tạo nhiều tiềm năng phát triển du lịch tại các địa phương nông thôn, UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận), Rừng dừa nước (xã Bình Phước). Hiện nay, Khu du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái có diện tích hơn 400ha, riêng diện tích rừng ngập mặn là 110ha. Nơi đây có 63 hộ dân với 166 nhân khẩu đang sinh sống và hoạt động du lịch.
"UBND xã Bình Thuận đã công nhận Tổ du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái gồm 51 thành viên, thành lập Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái với các dịch vụ phục vụ khách gồm: chèo xuồng tham quan rừng ngập mặn; homestay; ẩm thực; trưng bày và giới thiệu các sản phẩm sinh hoạt, sản xuất truyền thống, đồ vật xưa từ các thế kỷ XVI, XVII; giao lưu nghệ thuật bài chòi; hoạt động trải nghiệm biển Bãi Nhất... Từ đầu năm đến nay, Khu du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái đã đón hơn 13.000 lượt khách tham quan, học tập. Hiện nay, Bình Sơn đang hỗ trợ kinh phí thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP cho Du lịch cộng đồng Bàu Cá Cái, góp phần tạo được niềm tin về tiêu chuẩn, chất lượng trong lòng du khách. Qua đó, vừa nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương..." – Ông Hiền phấn khởi nói.
Tương tự, tại huyện Nghĩa Hành, địa phương này cũng đang phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch làng quê khám phá các điểm, vườn cây ăn quả khá hiệu hiệu quả và từng bước khẳng định được vị thế mình.
Ông Phan Công Huân – Trưởng phòng NNPTNT huyện Nghĩa Hành cho biết: Huyện Nghĩa Hành đang phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung với tổng diện tích gần 800ha, với 4 loại trái cây chủ lực là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng và chuối ngự đã được chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu.
"Từ thế mạnh đặc trưng này, địa phương đã và đang khuyến khích, tạo cơ hội để các chủ thể phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...
Tại Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng, trong đó du lịch biển, đảo tiếp tục giữ vai trò mũi nhọn, cùng với du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lich gắn với các sự kiện thể thao.
"Đặc biệt là các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương, đã thu hút người dân tham gia và sáng tạo, thiết kế ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, du lịch; góp phần tạo cơ hội làm việc, nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần cho người lao động tại khu vực nông thôn..." – Ông Dũng nói.
Được biết, năm 2023, tổng lượng khách đến Quảng Ngãi đạt hơn 1 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế đạt hơn 15 nghìn lượt. Năm 2024, tổng lượng khách đến Quảng Ngãi ước đạt hơn 1,4 triệu lượt, đạt 111% so với kế hoạch và tăng 36% với cùng kỳ năm trước. Tổng thu du lịch ước đạt 1.434 tỷ đồng, đạt 155% so với kế hoạch và tăng 30% với cùng kỳ năm trước.