Năm 2022, Sabeco (SAB) lợi nhuận tiếp tục "lập đỉnh" mới

04/02/2023 11:18 GMT+7
Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022, ghi nhận lợi nhuận đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện năm 2021. Đây cũng là kết quả cao nhất của Sabeco từ trước tới nay

Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco; HoSE: SAB) ghi nhận đạt doanh thu hơn 10.029 tỷ đồng, tăng mạnh so với ba quý đầu năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận gộp đạt 2.814 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cải thiện nhẹ từ 27,7% lên 28%.

Trong kỳ doanh thu tài chính tăng 24% lên 324 tỷ đồng. Chi phí tài chính cao gấp 3 lần cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 70%, chủ yếu do chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mãi cho quý bán hàng trước Tết, đạt 1.612 tỷ đồng. Kết quả, Sabeco đạt lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.

Khép lại năm 2022, Sabeco (SAB) đạt lợi nhuận "vượt đỉnh" - cao nhất từ trước tới nay - Ảnh 1.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý IV 2022 của Sabeco

Sabeco "vượt đỉnh" lợi nhuận, đạt mức lãi cao nhất từ trước tới nay

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 5.500 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Cả năm 2022, Sabeco chi hơn 3.000 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mại, tăng khoảng 870 tỷ so với năm trước đó và gấp đôi năm 2019.

Sabeco giải thích cho việc năm 2022 đạt mức lợi nhuận kỷ lục là do: có nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng cũng như các chương trình cũng giúp thúc đẩy các hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng. Sabeco đã nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn.

Năm 2022, Sabeco đặt mục tiêu đạt 34.791 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.581 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, Sabeco đã hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 120% kế hoạch lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SAB là 34.465 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 19.411 tỷ đồng (tăng 14%); hàng tồn kho hơn 2.193 tỷ đồng (tăng 31%); các khoản phải thu ngắn hạn 897 tỷ đồng (tăng 92%); trong đó trích lập 295 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi. Về nguồn vốn, Sabeco có 9.874 tỷ đồng nợ phải trả, phần lớn là nợ ngắn hạn, tổng nợ vay ở mức 1.033 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 24.591 tỷ đồng.


Phương Thảo
Cùng chuyên mục