Khởi nghiệp từ con ba khía
Đó là vợ chồng Trần Thị Xa và Nguyễn Văn Miên ở ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Đầm Dơi cũng là cái nôi của nghề muối ba khía ở Cà Mau nhưng không thuộc địa phương được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với nghề này.
Bằng nhiệt huyết và khát vọng của tuổi trẻ, vợ chồng Xa và Miên đã thành công không tưởng từ nghề muối ba khía
Trong những năm tình nguyện về Đầm Dơi công tác theo Đề án Trí thức trẻ, vợ chồng chị Xa và anh Miên đã trăn trở và mong muốn tự tay tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho một thương hiệu đặc sản của quê nhà.
Nói về đặc sản của Đầm Dơi thì có rất nhiều lựa chọn, nhưng con ba khía muối vẫn mãi in đậm trong ký ức tuổi thơ và thời thiếu nữ của chị Xa. "Từ lúc tôi sinh ra thì gia đình tôi đã làm nghề muối ba khía rồi. Khi còn bé, mẹ đã dạy tôi cách muối ba khía theo kinh nghiệm dân gian là pha muối vào nước rồi chặt khúc cây mắm thả vào, khi nào cây nổi lên là đủ độ mặn để muối ba khía. Chính cách đo độ mặn bằng kinh nghiệm dân gian đó khiến tôi nhớ mãi. Đó cũng là nét văn hóa độc đáo của nghề này", chị Xa hồi tưởng.
Thương hiệu ba khía muối Đầm Dơi đã được công nhận và vang xa
Vợ chồng thuộc thế hệ 8X này cũng thừa nhận rằng chọn nghề muối ba khía để phát triển thương hiệu đặc sản của Đầm Dơi là một bước đi mạo hiểm, vì xưa nay khi nhắc đến ba khía người ta mặc định ngay ba khía Rạch Gốc.
Ngoài ra, cả tỉnh Cà Mau có hơn 400 cơ sở làm ba khía muối, cũng tập trung nhiều ở xứ ba khía lừng danh. Nghĩa là, muốn thành công thì buộc phải vượt lên tất cả những cơ sở sản xuất ba khía muối có truyền thống và thương hiệu hàng chục năm. Đối với người mới khởi sự bằng con số không thì quả là điều không tưởng.
Thế nhưng, anh chị vẫn quyết tâm đeo đuổi ước mơ của mình một cách nghiêm túc và cả khát vọng lớn lao. "Còn nhiều lý do nữa mà tôi chọn con ba khía để khởi nghiệp. Nhất là thực trạng đa phần những sản phẩm ba khía trên thị trường không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, gây ra tình trạng hoang mang, mất niềm tin từ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu ba khía tại Đầm Dơi là rất dồi dào và chất lượng thịt con ba khía sống cũng không kém gì ba khía Rạch Gốc", chị Xa bộc bạch.
Nghề muối ba khía tạo được việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương
Năm 2017, vợ chồng chị Xa và anh Miên bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình chỉ với 2 bàn tay trắng cùng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Việc khởi đầu tưởng như dễ dàng nhất lại là điều khó khăn nhất, đó là không tranh mua được nguyên liệu với nhiều cơ sở khác. Anh chị có lúc phải lội vào rừng soi bắt ba khía về làm.
Những mẻ ba khía đầu tiên anh chị giới thiệu bán cho bạn bè, người quen. Người ta thấy ngon nên giới thiệu rộng ra. Từ chỗ năm đầu tiên, mỗi tuần chỉ bán được 20kg ba khía thành phẩm, đến năm 2019 thì mỗi tháng cơ sở anh chị làm được đến 1,5 tấn thành phẩm, thu lợi nhuận 250 triệu đồng; qua năm 2020 thì tiếp tục tăng gấp đôi. "Nhất là tháng giáp Tết vừa qua, mỗi ngày cơ sở của tôi phải sản xuất 200kg ba khía muối, dù thuê hơn chục người làm vẫn không đáp ứng đủ đơn đặt hàng của khách hàng khắp nơi.
Dù đã có kế hoạch trước từ lúc khởi nghiệp nhưng con số hiện tại là vượt xa ngoài dự tính", chị Xa vui vẻ khoe.
Sản phẩm ba khía muối mang thương hiệu "Ba khía Đầm Dơi" của vợ chồng Xa và Miên đã tạo được uy tín và niềm tin đối với người tiêu dùng
Trong năm 2020, nghề muối ba khía ở huyện Ngọc Hiển được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là một lợi thế không nhỏ về mặt thương hiệu. Song, ba khía muối của vợ chồng trẻ ở một địa phương hẻo lánh chưa được ghi nhận này lại vượt lên trên tất cả về số lượng tiêu thụ với hơn 10 tấn ba khía thành phẩm bán ra thị trường trong và ngoài nước.
Hiện, sản phẩm ba khía muối Đầm Dơi của vợ chồng Xa – Miên đã được công nhận sản phẩm OCOP và đạt được nhiều giải thưởng tại các hội thi như: "Giới thiệu sản phẩm hội viên phụ nữ", "Sự kiện truyền thông phụ nữ Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới" và "Chương trình OCOP năm 2020".
Giải nhất cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020
Ngày 10-12-2010, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ và Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL (Ban tổ chức cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020) đã trao giải nhất cuộc thi cho dự án "Ba khía Đầm Dơi - sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương" của chị Trần Thị Xa. Dự án đã xuất sắc vượt qua 476 hồ sơ để về nhất.
Theo thuyết trình, dự án này mang lại lợi nhuận trung bình 150 triệu đồng/năm (tính từ năm 2017), giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động ở địa phương làm nghề bắt ba khía, mỗi lao động có thu nhập 2- 3 triệu đồng/tháng, giảm tỉ lệ lao động đi làm ăn xa.
Trần Thị Xa nhận giải nhất cuộc thi
Còn theo tính toán của tác giả, trong ba năm tới (2021 đến 2023) mức lợi nhuận bình quân sẽ tăng lên hơn 580 triệu đồng/năm. "Qua thực tế chúng tôi nhận thấy sản phẩm của chúng tôi đang có thế mạnh vào kênh nhà hàng, quán nhậu, chợ đầu mối, các công ty xuất nhập khẩu… và các kênh tiêu thụ này đang được cơ sở chúng tôi tiếp tục tập trung khai thác", chị Xa thuyết minh.
Theo ban giám khảo, đây là dự án tận dụng được nguồn tài nguyên bản địa để phát triển thành sản phẩm đặc sản của địa phương. Ngoài ra, sản phẩm này vừa có tính cộng đồng và tính khả thi cao.
Bí quyết để ba khía muối vừa sạch vừa ngon
Mặc dù nguyên liệu ba khía tươi và nhiều vô kể, song để lựa chọn được ba khía ngon không phải ai cũng làm được mà phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về loài này.
Chọn ba khía tươi ngon là một trong những yếu tố quan trọng làm nên món ba khía muối ngon
Theo chị Xa, tiêu chí mà chị tự đặt ra cho mình từ khi khởi nghiệp và trong suốt quá trình sản xuất là phải chọn mua ba khía chất lượng. "Chọn ba khía những ngày không trăng và vào mùa nắng là bảo đảm chất lượng nhất. Ngoài ra còn nhiều kinh nghiệm mà không lý giải bằng lý thuyết được. Sau khi chọn được nguyên liệu ưng ý thì bước tiếp theo có vẻ đơn giản nhất nhưng lại quyết định thành bại cho toàn bộ quy trình sản xuất, đó là rửa ba khía. Phải dùng vòi áp suất để xịt thật sạch, không để còn chút bùn nào bám vào con ba khía.
Vì còn bùn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khi muối, mình có làm tốt đến đâu cũng phí công sức. Và cuối cùng là giải quyết vấn đề độ mặn của con ba khía muối. Ngày xưa, người ta muối ba khía rất mặn để bảo đảm ba khía lâu hư nhưng mất hết mùi vị. Cho nên làm sao giảm càng nhiều độ mặn mà vẫn giữ được chất lượng thịt ba khía sau khi muối mới là vấn đề quyết định", chị Xa chia sẻ.