Khủng hoảng năng lượng: Giá dầu có thể chạm mốc 100 USD/ thùng?

06/10/2021 16:58 GMT+7
Giá dầu có thể tăng vọt, thậm chí phá ngưỡng 100 USD/ thùng khi nhu cầu năng lượng tăng lên trong mùa đông và OPEC & đồng minh tiếp tục tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh bao gồm Nga OPEC+ đang chịu nhiều sức ép từ Mỹ và Ấn Độ - các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - trong việc tăng cung dầu sau khi giá dầu tăng ngoạn mục hơn 50% từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, trong cuộc họp gần nhất hôm 4/10, OPEC+ chỉ thông qua việc đưa thêm vào thị trường 400.000 thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng 11. Con số này bị đánh giá là chưa đủ để hạ nhiệt giá dầu khi nhiều nền kinh tế lớn từ Trung Quốc đến Anh và châu Âu bước vào một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm năng như hiện tại.

John Driscoll, chiến lược gia trưởng tại JTD Energy Services nhận định quyết định của OPEC + là một “hành động rất thận trọng” nếu bỏ qua thực tế là một cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại hàng loạt quốc gia. “Điều tôi quan tâm là điều gì sẽ xảy ra trong mùa đông tới? Liệu ngoài kia có nhiều người phải chịu lạnh hay không?”.

Ông Driscoll chỉ ra rằng tình trạng những hàng dài ô tô xếp hàng chờ đổ dầu ở các cây xăng; hay tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đang làm căng thẳng chuỗi cung ứng nhiên liệu toàn cầu. Điều đáng lo ngại hơn là lượng nhiên liệu dự trữ xuống mức thấp cũng như nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của người dân và doanh nghiệp.

Trong trường hợp đó, giá dầu chắc chắn sẽ tăng đột biến. 

Khủng hoảng năng lượng: Giá dầu có thể chạm mốc 100 USD/ thùng? - Ảnh 1.

Khủng hoảng năng lượng: hàng dài ô tô xếp hàng chờ đổ dầu ở Anh (Ảnh: Getty Images)

Giá dầu Brent có thời điểm giao dịch ở mức 82 USD/ thùng - mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay, trước khi chốt phiên ở mức 81,27 USD/ thùng, tăng 2,51% trong khi giá dầu WTI tăng vượt 78 USD/ thùng, mức cao nhất kể từ năm 2017 trước khi chốt phiên ở mức 77,6 USD/ thùng ngay sau phiên họp của OPEC+. Trước phiên họp của OPEC+, giá dầu Brent dao động quanh ngưỡng 79 USD/ thùng, một mức khá cao do nguồn cung hạn chế và lực cầu kéo khi nhiều nền kinh tế mở cửa và phục hồi trở lại từ đại dịch.

Đà tăng chưa từng có của giá dầu đang làm trầm trọng thêm mối đe dọa lạm phát, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Kịch bản 100 USD/ thùng dầu

Chuyên gia phân tích John Driscoll nhận định kịch bản giá dầu 100 USD/ thùng có thể xảy ra, nhưng không duy trì lâu. “Tôi coi đó là kịch bản có xác suất thấp. Trong tình huống chúng ta có một mùa đông lạnh giá kỷ lục, chúng ta gặp trục trặc trong chuỗi cung ứng cũng như khả năng phân phối, đó là một viễn cảnh có thể xảy ra. Nhưng tôi không cho rằng mức giá đó có khả năng duy trì bền vững”.

Ông Driscoll cũng cảnh báo về rủi ro từ cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại Trung Quốc và châu Âu. 

Tại Trung Quốc, chính quyền nhiều địa phương đã bắt đầu ban hành các chính sách hạn chế sử dụng điện, bao gồm tạm dừng hoạt động sản xuất tại các nhà mát trong những khung giờ nhất định. Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung than để sản xuất điện thiếu hụt, trong khi các chính quyền địa phương phải “chạy deadline” để theo kịp mục tiêu cắt giảm khí thải carbon của chính phủ Trung ương Trung Quốc.

Động thái hạn chế sử dụng điện đã khiến một số tổ chức kinh tế hạ hoặc xem xét hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm nay. Chẳng hạn, kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay từ 8,2% xuống chỉ còn 7,7% khi tình trạng giới hạn sử dụng điện tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nhà máy.

Còn tại châu Âu, khu vực này cũng đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng năng lượng do tình trạng khan hiếm khí đốt. 

Các nhà phân tích cảnh báo các cuộc khủng hoảng năng lượng tại nhiều nền kinh tế do thiếu than và khí đốt có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ tăng lên, qua đó tiếp tục làm tăng giá dầu.


NTTD
Cùng chuyên mục