Khủng hoảng Ukraine chưa thể cản trở đà phục hồi của Mỹ, lạm phát mới đáng lo

28/02/2022 07:56 GMT+7
Thực phẩm và xăng dầu có thể sẽ đắt đỏ hơn, còn các nút thắt chuỗi cung ứng bủa vây nền kinh tế Mỹ trong 2 năm qua có thể sẽ vẫn tiếp diễn hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn.

Khủng hoảng Ukraine không thể lập tức cản đà phục hồi của Mỹ, lạm phát mới đáng lo

Thực phẩm và xăng dầu có thể sẽ đắt đỏ hơn, còn các nút thắt chuỗi cung ứng bủa vây nền kinh tế Mỹ trong 2 năm qua có thể sẽ vẫn tiếp diễn hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn.

Khủng hoảng Ukraine chưa thể cản trở đà phục hồi của Mỹ, lạm phát mới đáng lo - Ảnh 1.

Tắc nghẽn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 khiến hàng hóa tại các siêu thị Mỹ trống kệ trong thời gian dài. Ảnh: AFP

Đây là những cảnh báo của giới phân tích về triển vọng kinh tế Mỹ trong những tháng tới. Về nguy cơ xung đột Nga-Ukraine đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, giới phân tích cho rằng, điều này dường như không thể xảy ra ở thời điểm này.

"Những gì chúng tôi nhận thấy là giá dầu đã tăng và giá cổ phiếu ít nhất trước mắt đã sụt giảm. Cùng với nhau, đó là một tác động của đình lạm (hiện tượng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát và thất nghiệp vẫn ở mức cao - BTV) đang dội vào nền kinh tế Mỹ', chuyên gia kinh tế trưởng của Wells Fargo, ông Jay Bryson nhận định. "Nó (xung đột Nga - Ukraine) sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn hiện tại và có thể sẽ làm tăng trưởng chậm lại, nhưng có lẽ không đủ để đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái", ông Jay Bryson nói.

Quan điểm của chuyên gia kinh tế trưởng Wells Fargo có sự tương đồng với hầu hết các nhà kinh tế Phố Wall. Ở thời điểm mà lạm phát đang ở mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980, điều mà người tiêu dùng Mỹ quan tâm nhất hiện nay là áp lực giá cả tăng cao. Giá các mặt hàng ngũ cốc và năng lượng tại Mỹ tiếp tục tăng cao trong những tuần gần đây, đẩy giá dầu WTI tăng khoảng 22%, tính từ đầu năm đến nay. Riêng mặt hàng lúa mì, giá bán đã tăng 2 con số, trước khi giảm mạnh vào ngày giao dịch 25/2 vừa qua.

Xung đột Nga - Ukraine chắc chắn gây thiệt hại về kinh tế, bởi hai quốc gia này đóng vai trò là những nhà sản xuất nông sản và cung ứng các nguyên tố quan trọng cho sản xuất chất bán dẫn trên thế giới, nhưng các tác động đến nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ vực sâu đại dịch Covid-19 sẽ không quá lớn.

"Giá xăng dầu tăng cao - điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Điều đó có khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu? Có lẽ là không", ông Bryson nói. "Với thực tế là biến thể Omicron đang suy yếu dần và mọi thứ đang mở ra, tôi nghĩ đó là một lực đối kháng", ông Bryson phân tích.

Xét về quy mô và tầm ảnh hưởng, hai nền kinh tế Nga và Ukraine tương đối nhỏ, không quốc gia nào mang sứ mệnh của một thế lực kinh tế khổng lồ, mặc dù cả hai đều có thế mạnh về nông sản, riêng Nga còn mạnh về quân sự.

GDP của Nga vẫn kém một chút so với tổng sản lượng kinh tế của bang New York, trong khi GDP của Ukraine tương đương quy mô kinh tế bang Nebraska. Cả Nga và Ukraine cộng lại đóng góp cho toàn cầu khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu và 80% sản lượng hạt hướng dương, theo số liệu của Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics.

Sở dĩ căng thẳng Nga - Ukraine làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu tuần qua, bởi nó diễn ra vào thời điểm các nhà đầu tư vốn đang lo ngại các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách để chống lạm phát, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Công ty Capital Economics lưu ý các khách hàng của mình rằng: "Tác động chính (của xung đột giữa Nga và Ukraine - BTV) sẽ khiến giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao hơn". "Hiện có vẻ như lạm phát của nền kinh tế Mỹ vẫn có thể lên tới 4% vào tháng 12 tới… Các nhà hoạch định chính sách sẽ cân nhắc giữa rủi ro lạm phát tăng lên và rủi ro suy giảm kinh tế", Capital Economics nhận định.

Các thị trường vẫn chủ yếu kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 tới và tiếp tục đẩy lãi suất lên cao trong suốt năm 2022 và sang năm 2023.

Giá cả các mặt hàng tại Mỹ đã liên tục tăng cao trong thời gian qua và giới giao dịch dự đoán Fed sẽ tiến hành 7 đợt tăng lãi suất (mỗi lần 0,25 điểm phần trăm) trong năm 2022 và mỗi đợt tăng này sẽ được quyết định tại các cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed.

Triển vọng tăng lãi suất trên là đủ sức để trấn áp sức nóng của thị trường cổ phiếu trong năm nay và đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng thêm. Nhưng triển vọng này cộng với những căng thẳng địa chính trị lại có thể tạo ra một sự kết hợp tồi tệ đối với kinh tế Mỹ.

Joseph Briggs và David Mericle, hai nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng: "Tác động của các quy định tài chính thắt chặt hơn là điều không thể đoán trước được". "Trong quá khứ, các rủi ro địa chính trị hiếm khi xảy ra sau việc siết chặt các quy định tài chính, trong khi vốn đã rất khó để khái quát hóa tình hình hiện tại. Việc thắt chặt các quy định tài chính hơn và những bất ổn gia tăng mà các doanh nghiệp phải đối mặt sẽ càng đè nặng lên tăng trưởng của Mỹ", hai chuyên gia của Goldman Sachs nhận định.

Goldman Sachs ước tính, mỗi lần giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng sẽ khiến lạm phát cơ bản của Mỹ (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) tăng thêm 0,035 điểm phần trăm, đẩy lạm phát toàn phần nhích thêm 0,2 điểm phần trăm. Với kịch bản này, GDP của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng 0,1 điểm phần trăm.

Tăng trưởng của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn nếu rủi ro địa chính trị buộc Fed phải thắt chặt các quy định tài chính hơn nữa và sự bất ổn đối với các doanh nghiệp gia tăng.

Tuy nhiên, Goldman Sachs vẫn kỳ vọng căng thẳng ở Ukraine sẽ không ngăn Fed tăng lãi suất. Các cuộc khủng hoảng trong quá khứ đôi khi khiến Fed phải nới lỏng chính sách, nhưng "rủi ro lạm phát tăng cao đang tạo ra lý do chính đáng và cấp bách hơn để Fed thắt chặt chính sách".

Hầu hết quan chức Fed cho biết trong tuần này rằng, họ đang theo dõi tình hình Ukraine, nhưng họ không đề cập đến việc thay đổi ý định thắt chặt chính sách.

Ông Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc Fed cho biết vào giữa tuần rằng, "một quyết định mạnh mẽ có thể được đưa ra là mức tăng 50 điểm cơ bản lãi suất vào tháng 3 tới" nếu số liệu kinh tế tiếp tục cho thấy thị trường lao động đã phục hồi mạnh mẽ và lạm phát vẫn dai dẳng.

Vào đầu tuần này, ông Thomas Barkin, Chủ tịch Fed tại thành phố Richmond (bang Virginia) đã so sánh xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine với việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, đồng thời đánh giá sự kiện khi đó đã gây ra rất ít tác động kinh tế.

"Nếu tình hình diễn biến như năm 2014, tôi không nghĩ rằng, bạn sẽ thấy nhiều thay đổi đối với logic cơ bản mà tôi đã đề cập", ông Thomas Barkin nêu. "Nhưng đây là vấn đề chưa được khám phá và chúng ta sẽ phải xem thế giới sẽ đi về đâu", Chủ tịch Fed tại thành phố Richmond nói thêm.

Lê Quân
Cùng chuyên mục