Kido (KDC): Lãi sau thuế tăng 33% sau kiểm toán
Giải trình về kết quả trên, Kido cho biết do thực hiện điều chỉnh các khoản chi phí trích trước và trích lập các khoản dự phòng.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, Kido ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 8.905 tỷ đồng, giá vốn hàng bán ở mức 7.113 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và 31% so với năm 2022.
Doanh thu hoạt động tài chính năm 2023 tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2022, ở mức 1.330 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng mạnh lên 1.016 tỷ đồng.
Kết quả, Kido báo lãi trước thuế 323 tỷ đồng, lãi sau thuế 135 tỷ đồng, lần lượt giảm 37% và 64% so với năm 2022.
Kido cho biết, nguyên nhân đến từ biến động của nền kinh tế thế giới lẫn trong nước, tác động đến thị trường, sức mua của người tiêu dùng giảm, biến động chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu kết hợp tình hình lạm phát gây ảnh hưởng đến chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Kido ở mức 12.391 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước. Kido có hơn 7.000 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó gần 2.800 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản phải thu ngắn hạn duy trì ở mức 3.000 tỷ đồng.
Hết năm 2023, tổng nợ phải trả của Kido là 5.277 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tài chính ở mức 3.327 tỷ đồng.
Cuối năm 2023, Kido công bố chính thức cho lên kệ của các hệ thống phân phối 4 sản phẩm mới thuộc ngành hàng gia vị, gồm: nước mắm cá cơm Tường An; hạt nêm Tường An Unicook. "Ông lớn" ngành hàng tiêu dùng nhanh này đồng thời phát triển những bộ sản phẩm thiết yếu đi cùng nhau gồm dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, bơ thực vật… trong dịp Tết nguyên đán này nhằm giúp các điểm bán và người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn, đa dạng hóa việc trải nghiệm sản phẩm.
Ngoài ra, Kido cũng cho ra mắt dự án Entertainment & E-commerce (E2E) trên nền tảng TikTok, đặt mục tiêu trở thành kênh thương mại giải trí, review ẩm thực, thời trang… để kích hoạt tiêu dùng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tiên trên nền tảng social.