Kinh doanh ế ẩm, giá shophouse vẫn ngất ngưởng

13/11/2019 13:45 GMT+7
Trong khi thị trường BĐS được đánh giá ảm đạm thì shophouse vẫn được rao bán hàng trăm triệu đồng/m2, dù kinh doanh ế ẩm.
Kinh doanh ế ẩm, giá shophouse vẫn ngất ngưởng - Ảnh 1.

Dãy nhà shophouse trên đường Vạn Phúc, Hà Đông đìu hiu vắng khách

Buôn bán ở shophouse bết bát

Lướt qua một số trang web rao bán bất động sản (BĐS), có thể thấy giá nhà phố thương mại (shophouse) tại Hà Nội công khai từ 40 - 90 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thực tế giá loại sản phẩm này đang được đẩy cao hơn rất nhiều.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh N.T.Đạt, môi giới BĐS khu vực Hà Đông cho biết, dự án Nhà phố thương mại 24h tại Vạn Phúc, Hà Đông xây dựng trên tổng diện tích 7.200m2, gồm 125 căn shophouse do Công ty CP đầu tư Hải Phát - Hải Phát INVEST làm chủ đầu tư, khởi công tháng 6/2016, bàn giao tháng 10/2017.

Giá mua đợt đầu khoảng 80 triệu đồng/m2, tùy theo diện tích và vị trí, giá thấp nhất khoảng 6,1 tỷ đồng/căn, cao nhất lên đến hơn 11 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, tính tới nay, một số chủ hộ đã rao bán từ 150-170 triệu/m2 (11,5-17 tỷ đồng). Trong trường hợp cho thuê làm cửa hàng, căn shophouse tại đây cũng có giá khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng.

Tương tự, tại dự án Louis City Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), được quảng cáo ở vị trí đắc địa, giá shophouse đang chào bán từ 100 - 115 triệu đồng/m2. Mặc dù cư dân về ở chưa đông nhưng giá chào thuê mỗi căn shophouse cũng lên khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Theo tìm hiểu, mặc dù giá bán và giá cho thuê cao ngất ngưởng nhưng thực tế việc kinh doanh tại shophouse đều trong tình trạng ế ẩm, không mấy hiệu quả. Anh Ngô Văn Thuỷ, người từng thuê shophouse trên mặt đường Vạn Phúc (Hà Đông) để kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ cho biết: “Năm trước tôi thuê 2 căn 5 tầng, diện tích mỗi sàn khoảng 120m2, giá 95 triệu đồng/tháng. Mặc cả, chủ nhà giảm xuống còn 85 triệu đồng/tháng. Thế nhưng sau 6 tháng tôi phải bỏ đi chỗ khác vì không có khách mua”.

Tương tự, anh Lê Trung, chủ một căn shophouse đang kinh doanh nhà hàng trên dãy phố Lê Trọng Tấn, Hà Đông chia sẻ, anh mở cửa hàng cho vợ ở nhà bán, song cũng vắng khách. “Hy vọng thời gian nữa cư dân về ở đông sẽ ổn định”, anh Trung nói.

Khảo sát của PV, trong số hơn 100 căn shophouse nằm trên đường Vạn Phúc (Hà Đông), phần lớn đang đóng cửa, lượng sử dụng cho hoạt động kinh doanh chỉ chiếm khoảng chiếm 30%. Tương tự, dãy shophouse An Khánh (Hoài Đức) và khu đường Trần Hữu Dực (Nam Từ Liêm) có khoảng gần 100 căn, hiện cũng chỉ lác đác được đưa vào sử dụng; chủ yếu là văn phòng dịch vụ môi giới bất động sản, quán cà phê, bởi cư dân sống xung quanh vẫn còn khá thưa thớt.

Coi chừng bị thổi giá

Shophouse trong dự án chỉ bắt đầu sinh lời khi cư dân về ở, dự án được bao quanh bởi các khu văn phòng, khu công nghiệp; nhà hàng và các hoạt động dịch vụ đã được triển khai tại các dãy shophouse, thu hút được dân sinh và tạo ra được dòng tiền. Ngược lại, tại các dự án nằm ở khu vực còn thưa thớt dân cư, chưa có các dịch vụ, tiện ích hay chưa thường xuyên tổ chức sự kiện hoạt động thu hút khách thì không có tiềm năng kinh doanh và không thể tăng giá.

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội

Giá rao bán cao ngất ngưởng là vậy nhưng khi vào vai chủ căn hộ shophouse tại khu vực Vạn Phúc Hà Đông có nhu cầu chuyển nhượng, giới cò mồi tỏ ra không mấy mặn mà. “Giá ảo quá nên gần như không có giao dịch. Nhiều căn ở vị trí đẹp rao bán cũng lâu rồi mà chưa có khách mua”, một tay môi giới khu vực này cho hay.

Theo ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản 24h, so với các sản phẩm nằm trong cùng dự án, shophouse luôn có giá cao hơn bởi được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt hơn, có lợi thế thương mại. “Thời gian qua, giá shophouse có tăng nhưng chỉ dao động từ 5-7% so với giá gốc, không thể có chuyện tăng 100% như lời rao bán trên thị trường”, ông Quỳnh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới BĐS cho hay, dù được khách hàng ưa chuộng, săn lùng, chấp nhận mức giá cao nhưng lượng giao dịch shophouse lại không nhiều. “Theo thống kê, tính tới hết quý III, số lượng giao dịch nhà và đất tại Hà Nội và TP HCM khoảng 2.000 giao dịch; trong đó, shophouse chiếm khoảng 30%. Dự báo trong quý IV cũng không có gì đột biến”, ông Đính nhận định.

Để giảm thiểu rủi ro trước khi quyết định đầu tư shophouse, ông Đính khuyến cáo: “Nhà đầu tư phải tìm hiểu pháp lý, tính khả thi của dự án; nguồn vốn đầu tư huy động từ đâu; dự án có tai tiếng gì không?...”.

Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, shophouse chỉ thực sự đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn hoặc người dùng cuối từ thu nhập cho thuê kinh doanh mặt tiền hàng tháng ổn định và tiềm năng tăng giá trong dài hạn. “Đầu tư vào shophouse chỉ thực sự có lãi khi người ta sử dụng ngôi nhà cho mục đích kinh doanh. Nếu kinh doanh ra tiền, cho thuê được tốt thì nhà mới tăng giá được, còn nếu không, shophouse cũng chỉ như những sản phẩm nhà ở gắn liền với đất thông thường khác”, ông Hiển phân tích.

Báo Giao thông
Cùng chuyên mục