Kinh doanh khó khăn, Petrolimex không tính giảm quỹ lương và thù lao dàn lãnh đạo
Ngày 26/6 tới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) sẽ tổ chức đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020.
Mục tiêu lợi nhuận chỉ bằng 28% năm 2019, thấp nhất kể từ 2015
Đề cập tại tài liệu ĐHĐCĐ lần này, Petrolimex cho biết, trong các tháng đầu năm 2020, giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu liên tục biến động bất thường với đà giảm sâu do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất, sự xuất hiện và lan rộng của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm mạnh do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại của các nước.
Bên cạnh đó, việc dư thừa nguồn cung dầu mỏ dẫn đến lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô WTI giao dịch xuống mức âm -37.63 USD/thùng vào ngày 20/4/2020 đối với hợp đồng kỳ hạn kết thúc vào tháng 5/2020.
Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến thương mại toàn cầu bị suy giảm…
Từ những ảnh hưởng trên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thì kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm. Tổn thất do dịch Covid – 19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể lớn hơn suy thoái kinh tế giai đoạn 2007 – 2009.
Đối với thị trường xăng dầu trong nước, Petrolimex cho rằng, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt. Cùng với đó, nguồn cung trong nước đi vào ổn định sẽ tác động mạnh đến thị trường xăng dầu trong nước và 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Petrolimex ở nước ngoài là PLS (tại Singapore) và PLL (tại Lào) trong năm 2020.
Chưa kể, từ ngày 01/01/2020, việc sử dụng nhiên liệu hàng hải mới theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) sẽ khiến giá của nhiên liệu mới được thay thế dự kiến tăng 50% so với giá nhiên liệu cũ, làm chi phí vận tải đường biển năm 2020 tăng mạnh so với năm 2019 (khoảng 300 tỷ đồng).
Cộng hưởng các yếu tố trên, HĐQT Petrolimex nhìn nhận, năm 2020 hoạt động SXKD của Tập đoàn được dự báo sẽ hết sức khó khăn.
Vì vậy, HĐQT Petrolimex dự kiến trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế thấp nhất kể từ năm 2015 trở lại đây.
Theo đó, doanh thu hợp nhất dự kiến 122.000 tỷ đồng, giảm 36%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm mạnh tới 72% so với thực hiện năm 2019, đạt 1.570 tỷ đồng. Sản lượng xăng dầu xuất bán hợp nhất cũng được dự báo sẽ giảm 17%.
Các chỉ tiêu kế hoạch nêu trên được tính toán dựa trên kịch bản dịch Covid-19 được khống chế vào cuối quí II/2020, giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu 6 tháng cuối năm được dự báo ở mức: Xăng 42 USD/thùng, Do 47 USD/thùng, Ko 44 USD/thùng; Fo 250 USD/tấn.
Trong quý I vừa qua, "ông lớn" xăng dầu báo lỗ sau thuế 1.813 tỷ đồng. Cổ đông công ty mẹ lỗ 1.893 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 1.201 tỷ đồng.
Kinh doanh khó khăn, quỹ lương và thù lao HĐQT … không giảm
Tài liệu ĐHĐCĐ của Petrolimex cũng cho thấy, trong năm 2019, tổng quỹ tiền lương và thù lao đối với của các thành viên HĐQT, các thành viên BKS năm 2019 lên tới gần 13 tỷ đồng.
Trong đó, tổng quỹ tiền lương và thù lao của HĐQT năm 2019 gần 8,4 tỷ đồng. Tổng thù lao của Ban kiểm soát năm 2019 là 4,519 tỷ đồng.
Về phương án năm 2020, mặc dù mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Petrolimex chỉ bằng 28% lợi nhuận thực hiện trong năm 2019 nhưng quỹ tiền lương và thù lao dự kiến không giảm.
Cụ thể, HĐQT Petrolimex dự kiến trình ĐHĐCĐ giữ nguyên quỹ tiền lương, thù lao của thành viên HĐQT, thù lao của BKS lần lượt là 8,4 tỷ và 4,5 tỷ đồng – không đổi so với năm 2019.
Đại hội lần này, Petrolimex cũng dự kiến thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Yoshihiro Sato để đi nhận nhiệm vụ mới, theo đề nghị của cổ đông lớn là Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Energy Việt Nam.
HĐQT Petrolimex cũng dự định trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm ông Đinh Viết Tiến – Trưởng Ban Kiểm soát vì ông đã đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ.
Đồng thời bầu bổ sung ông Toshiya Nakahara, Phó chủ tịch cấp cao của JX Nippon Oil & Energy Corporation thay ông Yoshihiro Sato đi nhận nhiệm vụ mới. Bầu bổ sung ông Đặng Quang Tuấn, Kế Toán trưởng Tổng Công ty Vận tải thủy Petrolimex thay thế 01 thành viên BKS đã nghỉ hưu (ông Đinh Viết Tiến nghỉ hưu từ ngày 01/04/2020).
Theo giới thiệu của Petrolimex, HĐQT của "ông lớn" xăng dầu này hiện có 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên BKS.