Kinh tế Nga "bốc hơi" 30 tỷ USD và thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu sau 2 tuần chiến sự

Huỳnh Dũng Thứ tư, ngày 16/03/2022 08:01 AM (GMT+7)
Dự báo hiện tại của Bloomberg Economics cho thấy, chỉ trong 2 tuần chiến sự Nga - Ukraine, GDP Nga đã giảm khoảng 2%, tương đương với mức giảm cả năm 2020 do tác động bởi đại dịch Covid-19. Điều quan ngại hơn đó là trật tự kinh tế toàn cầu đang thay đổi theo thực tế mới với thương mại toàn cầu không hoàn chỉnh.
Bình luận 0

Hơn hai tuần sau chiến sự Nga - Ukraine, nền kinh tế Nga hiếm khi tồi tệ như bây giờ

Hơn hai tuần sau khi chiến sự Nga-Ukraine xảy ra, cuộc chiến này đã gây ra một thiệt hại trong nước Nga nhất định, cho thấy đây thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin.

Bị vấp phải bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, một nền kinh tế đang trên đà phát triển lớn mạnh như Nga giờ đây đã phải bị đảo ngược tình thế chỉ trong vài ngày. Nói về một trong những đánh giá đầu tiên về các thiệt hại đã xảy ra, dự báo hiện tại của Bloomberg Economics cho thấy, GDP Nga đã giảm khoảng 2%, tương đương với mức giảm cả năm trong đại dịch Covid-19 năm 2020.

Sự sụt giảm này có nghĩa là hơn 30 tỷ USD đã bị xóa khỏi tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Nga, tính theo giá năm ngoái. Dự báo mới của trang Bloomberg Economics còn cho thấy, mức GDP cả năm của Nga sẽ giảm khoảng 9% vào năm 2022.

Không chỉ dừng tại đó, nền kinh tế Nga đã hướng tới một trong những đợt lạm phát tăng đột biến nhất trong thế kỷ này, và nguy cơ thiếu hụt đang khiến chính phủ áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu. Đánh giá của Bloomberg Economics cho thấy, sự sụp đổ trong những ngày đầu của Nga giống như suy thoái trong cú sốc Covid-19 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ở một góc độ khác, một cuộc khảo sát vào tháng 3 với các nhà phân tích của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy, nền kinh tế dự kiến nước này sẽ giảm 8% trong năm nay, so với dự báo tăng 2,4% được đưa ra hồi đầu tháng 2 trước khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra. Dự báo này chỉ ra một tác động kinh tế lớn, dựa trên thông tin ít ỏi hiện có. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn nhiều có thể sẽ nằm ở phía trước, do phạm vi của sự bất ổn trong nền kinh tế Nga đang ngày càng lan rộng và rất phức tạp.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nói với các phóng viên rằng, Nga đang bước vào một "cuộc suy thoái sâu", với việc đồng rúp lao dốc dẫn đến lạm phát và làm suy giảm nghiêm trọng sức mua của người dân Nga.

Cuộc chiến sự Nga-Ukraine có thể là một 'kẻ thay đổi cuộc chơi' kinh tế toàn cầu. Ảnh:@AFP.

Cuộc chiến sự Nga-Ukraine có thể là một 'kẻ thay đổi cuộc chơi' kinh tế toàn cầu. Ảnh:@AFP.

Các nhà kinh tế cũng cho biết, chiến sự Nga - Ukraine sẽ tác động đáng kể đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm nay, với tác động lớn nhất ở châu Âu. Giá dầu tăng vọt lên hơn 110 USD/thùng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng mới, bao gồm cả những "cơn đau đầu" mới đối với ngành công nghiệp ô tô - cũng có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát của Mỹ, vốn đã ở mức cao nhất trong 40 năm qua. Nhưng hậu quả lâu dài của chiến sự này có thể còn sâu sắc hơn thế nữa.

Trật tự kinh tế toàn cầu đang phải điều chỉnh theo một thực tế mới

Ngay cả trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điều xe tăng và tên lửa tới Ukraine, nhiều năm quan hệ Mỹ-Trung xấu đi và các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu thất bại đã cản trở sự hội nhập chặt chẽ hơn của dòng tài chính và thương mại vốn đã được dự đoán trong thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hóa.

Những gì xảy ra tiếp theo có khả năng phản ánh các khối riêng biệt của một "Chiến tranh Lạnh". Ngay cả khi trật tự kinh tế toàn cầu bị rạn nứt, không có ý thức hệ đối thủ nào sẽ tranh giành vị thế tối cao. Rất khó hình dung Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cũng tồn tại cùng với các mối quan hệ thương mại sâu rộng với Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản ra sao sau chiến sự Nga - Ukraine. Nhưng một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, tất cả các chính phủ, tập đoàn và nhà đầu tư đều đang phải điều chỉnh theo một thực tế mới.

Michael Smart, giám đốc điều hành của Rock Creek Global Advisors cho biết: "Đó là sự kết thúc của kỷ nguyên này và bắt đầu của kỷ nguyên khác, đó là một hình thức toàn cầu hóa kém hoàn thiện hơn so với những gì chúng tôi có tham vọng trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh quá khứ. Chúng ta phải nghĩ khác về ý nghĩa của chúng ta đối với hệ thống thương mại toàn cầu. Có những yêu cầu nhất định mà nếu bạn không đáp ứng được thì bạn không phải là một phần của nó. Bạn không thể ở trong "câu lạc bộ" chung được".

Theo các nhà phân tích của Citibank, với việc Mỹ, châu Âu, Canada, Anh và Nhật Bản thống nhất trừng phạt Nga bằng các biện pháp trừng phạt tài chính chưa từng có, chiến sự Nga - Ukraine đã gây ra một "sự tái cơ cấu địa chính trị lớn" giống như dư chấn từ vụ tấn công khủng bố 11/9.

Gần như chỉ sau một đêm, hầu hết các ngân hàng lớn của Nga đã bị chặn không cho chuyển tiền qua biên giới. Thị trường chứng khoán của Moscow đã đóng cửa trong một tuần. Khách hàng Nga bị loại bỏ khỏi hầu hết các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Tuần qua, sự cô lập của Nga ngày càng sâu sắc khi cơ quan quản lý truyền thông của nước này chặn quyền truy cập vào Facebook, một trong số ít các nguồn thông tin mà Chính phủ Nga giữ hoạt động trên mạng xã hội này giờ đây đã hoàn toàn mất kiểm soát.

Tại Washington, các đảng viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa hàng đầu đã bắt đầu yêu cầu Hoa Kỳ ngừng nhập khẩu dầu từ Nga, một động thái sẽ làm gia tăng tình hình tài chính của Moscow nếu các quốc gia châu Âu làm theo. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cuối tuần qua cảnh báo rằng, chiến sự Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt tích lũy nhanh chóng đối với Nga sẽ "có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu".

"Sự kiện này dường như là một sự thay đổi cuộc chơi và sẽ tồn tại với chúng ta trong một thời gian rất dài", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome H. Powell phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước.

Có thể thấy, sự lưu vong tài chính của Nga đã được che đậy hơn một thập kỷ xói mòn trong quá trình toàn cầu hóa, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và tiếp tục thông qua sự trỗi dậy của Chính quyền Tập Cận Bình vào năm 2012, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018 và các nhà ngoại giao liên tục thất bại trong việc thống nhất về tự do hóa thương mại toàn cầu. Tiếp sau đó, đại dịch Covid-19 làm việc đi lại quốc tế bị hạn chế, các liên kết xuyên biên giới của Nga ngày càng mỏng manh hơn.

Khi nền kinh tế của Nga sụp đổ, sự ra đi của các thương hiệu toàn cầu sẽ dẫn đến sự thay đổi sâu sắc về cách các công dân trung lưu sẽ kiếm tiền và tiêu tiền của họ. Ảnh: @AFP.

Khi nền kinh tế của Nga sụp đổ, sự ra đi của các thương hiệu toàn cầu sẽ dẫn đến sự thay đổi sâu sắc về cách các công dân trung lưu sẽ kiếm tiền và tiêu tiền của họ. Ảnh: @AFP.

Suy thoái kinh tế Nga sẽ kéo theo nạn đói

Theo Ngân hàng Thế giới, ngay cả trước khi đại dịch khiến thế giới đang phát triển rơi vào cảnh nghèo đói sâu sắc hơn, thì đã có khoảng 70% quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng dưới mức trung bình gấp 3 lần vào năm 2008.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2020 cho thấy, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, tình trạng nghèo đói trên toàn cầu đã gia tăng nhanh chóng. Và sự suy thoái của Nga sẽ làm gia tăng xu hướng đó, bao gồm cả ở các nước cộng hòa Trung Á từng là một phần liên hệ chủ chốt của Nga. Kiều hối từ những người lao động nhập cư từ Trung Á làm việc tại Nga chiếm khoảng 30% nền kinh tế ở cả nước cộng hòa Kyrgyzstan và Tajikistan và gần như chắc chắn giá trị kiều hối sẽ giảm mạnh khi Nga rơi vào suy thoái sâu và đồng rúp chìm đỏ.

Các chuyên gia nhận định, cuộc chiến Nga - Ukraine và phản ứng toàn cầu đối với nước này sẽ làm thay đổi đáng kể tương lai kinh tế của Nga, khiến đất nước này lùi lại 30 năm, tương đương với tình trạng gần với thời Liên Xô cũ - và hạ thấp mức sống của nước này trong ít nhất 5 năm tới, theo các nhà kinh tế, nhà đầu tư và các nhà ngoại giao quốc tế.

Các biện pháp trừng phạt sâu rộng của phương Tây được đưa ra nhằm gây ra những thiệt hại lớn nhất cho nền kinh tế của đất nước, bằng cách trục xuất Nga khỏi thị trường toàn cầu và đóng băng tài sản trên khắp thế giới. Kể từ thời điểm có hiệu lực cách đây hơn 2 tuần, các lệnh trừng phạt đã mở ra một "chương mới" đau thương trong lịch sử kinh tế Nga.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính và tiền tệ của Nga đang sụp đổ trên nhiều mặt, buộc Điện Kremlin phải đóng cửa thị trường chứng khoán và nâng đỡ đồng rúp bên trong biên giới của mình một cách mỏng manh.

Có thể thấy, những cải cách quan trọng về kinh tế và xã hội bắt nguồn từ những năm 1980 đã mang lại cho Nga "hương vị đầu tiên" của họ đối với các sản phẩm của Mỹ. Nhưng công sức nhiều thập kỷ làm việc để hội nhập nền kinh tế vào châu Âu đã kết thúc "đổ sông đổ bể" trong hơn hai tuần qua, khi các công ty, tập đoàn lớn lần lượt khỏi thị trường Nga, và Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu chuyển sang cắt đứt thương mại và du lịch với Nga.

Đặc biệt, có hai lệnh trừng phạt đã gây ra sự tàn phá đáng kể. Lệnh đầu tiên trục xuất các ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu được gọi là SWIFT, khiến Nga rất khó xử lý các giao dịch ở nước ngoài.

Biện pháp thứ hai đã đóng băng hàng trăm tỷ euro dự trữ của ngân hàng trung ương Nga. Nếu không có quỹ dự trữ để tăng giá đồng rúp, Điện Kremlin có thể làm rất ít điều để ngăn chặn giá trị của đồng nội tệ đang bị sụp đổ này.

Trong khi đó, Mỹ và Anh cũng đang ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị công nghệ cao và hàng xa xỉ, và danh sách ngày càng nhiều các quốc gia cấm tàu Nga lưu thông vào cảng nước họ.

Maximillian Hess, một thành viên Trung Á trong chương trình Eurasia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại phi lợi nhuận Quốc tế cho biết: "Vấn đề mà Nga gặp phải bây giờ là về cơ bản họ đang ở trong một vòng xoáy mà họ vẫn không biết còn bao nhiêu lệnh trừng phạt chưa thực hiện được nữa. Vì vậy, chúng tôi vẫn không thể loại trừ việc đồng rúp có thể bị sụp đổ, sụp đổ", ông nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn cô lập về kinh tế của Nga sắp tới có thể kéo dài ít nhất 5 năm. Ảnh: @aFP.

Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn cô lập về kinh tế của Nga sắp tới có thể kéo dài ít nhất 5 năm. Ảnh: @aFP.

Thời kỳ cô lập sắp tới dành cho Nga

Nhắc đi nhắc lại, các nhà đầu tư và chuyên gia chính sách cho biết, gần như không thể hình dung được viễn cảnh thực tế trong đó các công ty Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại Nga trong vòng 5 năm tới hay không.

"Một khi các công ty rời Nga, họ sẽ phải trả một số chi phí chi trả cơ sở hạ tầng, đền bù hợp đồng, cắt hợp đồng, rời khỏi liên doanh khiến họ mất một bộn tiền. Và sau đó Nga lại trở thành một môi trường gánh chịu những mất mát từ lệnh cấm vận quốc tế, vì vậy sẽ khó hơn rất nhiều để thuyết phục các công ty Mỹ, Châu Âu quay trở lại Nga", Maximillian Hess nói.

Với tác động trực tiếp mà các lệnh trừng phạt đang gây ra đối với môi trường kinh doanh ở Nga, thì việc đảm bảo dỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần các lệnh trừng phạt này mới là chìa khóa tạm thời để khiến các công ty Mỹ "cân nhắc" quay trở lại. Nhưng hiện tại, không một chuyên gia nào tin rằng bất kỳ lệnh trừng phạt nào hiện tại đối với Nga hoặc Belarus sẽ được nới lỏng hoặc dỡ bỏ trong ít nhất ba năm tới.

"Cho đến khi có một nhà lãnh đạo mới ở Nga, một người xin lỗi vì đã xâm lược Ukraine và người viết séc để bồi thường, còn không thì các lệnh trừng phạt này sẽ được duy trì", Maximillian Hess chia sẻ thêm.

Nền kinh tế Nga có thể giảm 15% trong năm 2023

Các ước tính mới cho thấy, nền kinh tế Nga có thể giảm 7% trong năm tới. Những người khác nói rằng, mức giảm này còn có thể lên tới 15% sau khi các cơn đau trừng phạt dần được ngấm. Sự sụt giảm như vậy sẽ lớn hơn sự sụp đổ năm 1998 của thị trường chứng khoán Nga - một cú sốc lớn đối với một nền kinh tế hầu như không có bất kỳ tăng trưởng nổi trội nào trong thập kỷ qua, và đã không thể đa dạng hóa khỏi việc chỉ xuất khẩu dầu và khí đốt. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang có kế hoạch giảm mạnh sự phụ thuộc vào năng lượng của mình vào Nga, trong khi Mỹ và Anh đã bắt đầu loại bỏ dần việc nhập khẩu của mình từ Nga. Có thể thấy, các viễn cảnh dài hạn là rất tồi tệ. Nếu các biện pháp trừng phạt được duy trì, Nga sẽ bị cắt khỏi các đối tác thương mại chính ngoài Trung Quốc và Belarus.

Các cơ quan xếp hạng hiện dự đoán Nga sẽ không thể trả nợ cho các chủ nợ của mình, một lần nữa điều này sẽ để lại những tác động to lớn về lâu dài đối với nền kinh tế. Danh tiếng là một bên đi vay không đáng tin cậy sẽ khiến nước này khó thu hút các khoản đầu tư nước ngoài, ở một kịch bản nào đó, có khả năng khiến nước này hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc.

Kịch bản kinh tế thực sự có vẻ còn tồi tệ hơn nếu Putin đạt đến một điểm mà ông tuyên bố chiến thắng ở Ukraine. Chiếm đất nước và thành lập một chính phủ mới chắc chắn sẽ liên quan đến việc nhận trách nhiệm xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Và với việc công dân Ukraine ngày càng thân châu Âu, việc duy trì hòa bình trong một môi trường thù địch như vậy sẽ buộc Putin phải chuyển một lượng lớn nguồn lực từ ngân sách Nga.

Huỳnh Dũng  -Theo Wsj/ Cnbc/Washingtonpost

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem