Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh nhất châu Á năm 2021

29/12/2020 14:45 GMT+7
6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á dự kiến sẽ chứng kiến các kịch bản kinh tế khác nhau trong năm 2021. Trong đó, Việt Nam là một trong ba nền kinh tế phục hồi về mức trước đại dịch.

Tờ tạp chí kinh tế - tài chính hàng đầu châu Á Nikkei Asian Review mới đây đã tổng hợp dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF về các nền kinh tế Đông Nam Á, lấy dữ liệu kinh tế năm 2019 làm đường cơ sở - 100. Theo đó, 3 quốc gia Việt Nam, Indonesia và Malaysia dự kiến đều đạt thang điểm trên 100 trong năm 2021, đồng nghĩa với việc kinh tế phục hồi vượt mức trước đại dịch.

Trong đó, Việt Nam được dự báo dẫn đầu nhóm 3 nước với chỉ số tăng trưởng dự báo 108,4. S&P Global dự đoán năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,9% tính theo GDP thực tế, qua đó trở thành quốc gia tăng trưởng mạnh nhất châu Á Thái Bình Dương. Cơ quan này cũng dự kiến tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 đạt 2,91% trong năm nay nhờ kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 từ rất sớm.

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh nhất châu Á năm 2021 - Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh nhất châu Á năm 2021

Chuyên gia Yuta Tsukada tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định: “Nhiều công ty đa quốc gia đang đổ xô đầu tư vào Việt Nam. Đây là một lợi thế cho ngành xuất khẩu nước này”. Với lợi thế chi phí sản xuất thấp, ông Tsukada dự báo Việt Nam sẽ thu hút luồng chuyển dịch sản xuất di dời từ thị trường Trung Quốc nếu căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung tiếp tục nóng lên dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. 

Indonesia đứng sau Việt Nam với chỉ số tăng trưởng 104,5. Dự luật tạo việc làm được Tổng thống Joko Widodo phê duyệt hồi tháng 11 được kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài và tạo môi trường tự do kinh doanh cho doanh nghiệp.

Malaysia là quốc gia cuối cùng trong 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á được dự báo sẽ hồi phục về mức trước đại dịch năm 2021, với chỉ số tăng trưởng 101,3. IMF dự báo kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như điện tử phục hồi sẽ kéo theo sự tăng trưởng kinh tế cho Malaysia khi nền kinh tế toàn cầu ổn định trở lại.

Trong khi đó, ba nền kinh tế lớn còn lại ở ASEAN là Singapore, Philippines và Thái Lan dự kiến sẽ chỉ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2022. 

Ngành du lịch Thái Lan, vốn đóng góp tới 20% GDP quốc gia, vẫn đang trì trệ vì cuộc khủng hoảng đại dịch. Dự kiến, ngành này vẫn đối diện nhiều thách thức trong năm 2021 khi nhiều quốc gia vẫn duy trì hạn chế nhập cảnh với du khách nước ngoài. Xuất khẩu ô tô, một động lực chính cho tăng trưởng của Thái Lan cũng khó có khả năng phục hồi về mức trước đại dịch trong năm sau.

Ngành du lịch Singapore cũng ảm đạm tương tự Thái Lan. Tại Philippines, chi tiêu tiêu dùng suy yếu làm giảm đáng kể động lực tăng trưởng.

Nikkei Asian Review nhấn mạnh rằng bất chấp những dự báo như vậy, cả 6 nền kinh tế trên vẫn còn chịu nhiều tác động của diễn biến cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như các chính sách kinh tế quốc tế của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden, người sắp chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào 20/1 tới đây. 

Mặc dù một số loại vaccine Covid-19 đã được phát triển thành công nhưng các chuyên gia cho rằng việc phân phối chúng đến các nền kinh tế mới nổi Đông Nam Á vẫn là cả một chặng đường dài.


NTTD
Cùng chuyên mục