Kỷ lục đầu tư vào thương mại điện tử và fintech

15/12/2021 06:41 GMT+7
Những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet, cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm.

Rohit Sipahimalani - Chiến lược gia phụ trách hoạt động đầu tư của Temasek đánh giá, ngày càng có nhiều người nhận ra tiềm năng của nền kinh tế Internet Đông Nam Á, nhất là trong bối cảnh một số công ty khởi nghiệp trong khu vực đang chuẩn bị IPO.

Một trong những startup thành công điển hình là gã khổng lồ SEA của Singapore với các mảng kinh doanh chủ chốt bao gồm: nhà phát triển trò chơi trực tuyến - Garena và nền tảng thương mại điện tử - Shopee đạt 200 tỷ USD vốn hóa thị trường.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến J&T Express của Indonesia. "Gã khổng lồ" chuyển phát nhanh nhận được hậu thuẫn từ các quỹ như: Boyu Capital, Hillhouse Capital và Sequoia Capital China với tư cách là nhà đầu tư chính và dự kiến sẽ niêm yết tại Hồng Kông vào năm tới.

"Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm các thị trường rộng lớn nơi có tiềm năng phát triển đáng kể. Giờ đây, họ nhìn thấy những yếu tố này trong nền kinh tế Internet của Đông Nam Á", ông Rohit Sipahimalani nói.

Kỷ lục đầu tư vào thương mại điện tử và fintech - Ảnh 1.

Startup thành công điển hình là gã khổng lồ SEA của Singapore

Báo cáo e-Conomy SEA 2021 đã nêu bật những chuyển biến trong khu vực gồm sáu nền kinh tế Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia. Đồng thời báo cáo phát hiện rằng, có tới 11 kỳ lân công nghệ tiêu dùng mới ra đời tại khu vực trong năm nay, nâng tổng số các startup đạt giá trị hơn 1USD lên con số 23.

Cũng theo báo cáo, nền kinh tế số của Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, có thêm 40 triệu người dùng trực tuyến mới trong năm 2021.

Cùng với đó, hiện có 440 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, chiếm khoảng 3/4 dân số trong khu vực. Nền kinh tế Internet của khu vực cũng dự kiến sẽ đạt 360 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2025 và sẵn sàng vượt qua 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Động lực mạnh mẽ này, được thúc đẩy bởi các ngành thương mại điện tử, du lịch, truyền thông, vận tải và thực phẩm.

Tại Việt Nam, báo cáo e-Conomy SEA 2021 chỉ ra, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng lên tới 53% của lĩnh vực thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái, và tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV - Gross Merchandise Value), đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Đây cũng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam.

Kỷ lục đầu tư vào thương mại điện tử và fintech - Ảnh 2.

Kỉ lục đầu tư vào thương mại điện tử và fintech

Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm.

Doanh thu thương mại điện điện tử B2C liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Nếu như năm 2016 đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.

Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.

Khảo sát nhanh cho thấy, 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam.

Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn khi nguồn vốn ngoại tiếp tục chảy vào. Hoạt động đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây.

Nhìn chung, không riêng thị trường Việt Nam, mà tất cả các nền kinh tế khu vực đều chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt. Philippines có mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất, ở mức 93%. Tiếp theo là Thái Lan (51%), Indonesia (49%) và Malaysia (47%).

Nền kinh tế số của Đông Nam Á nhờ đó đã vượt qua Ấn Độ, nhưng vẫn còn tiềm năng chưa được khai thác. Đại diện Temasek cho biết, trong khi thương mại điện tử và fintech sẽ tiếp tục thu hút nhiều vốn nhất trong thời gian tới, các lĩnh vực non trẻ khác đầy hứa hẹn bao gồm công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.

Ngay cả khi thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp trong khu vực cũng phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Việt Hưng
Cùng chuyên mục