Kỹ sư điện đam mê nông nghiệp, thu tiền tỷ nhờ sản xuất phân bón hữu cơ

16/04/2020 06:00 GMT+7
Do giá thành không cao, lại mang đến lợi ích lâu dài cho nông nghiệp, nên hiện nay, phân bón hữu cơ vi sinh đang là sản phẩm được ngành nông nghiệp khuyến khích phát triển. Mỗi năm, công ty của anh Nguyễn Văn Công đạt doanh thu hàng tỷ đồng nhờ sản xuất loại phân bón này.

Ý tưởng kinh doanh bắt nguồn từ … chất thải

“Các bạn thử tưởng tượng, trang trại của chúng tôi mỗi năm thải ra hàng ngàn tấn chất thải của lợn. Nếu không được xử lý kịp thời, nguồn chất thải ấy sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?”, anh Nguyễn Văn Công nói điều đó, khi dẫn phóng viên tham quan trang trại lợn nái có quy mô lên đến hàng chục ngàn con của mình.  Ít ai biết, những trăn trở về việc xử lý nguồn chất thải đã giúp anh nảy ra ý tưởng kinh doanh táo bạo.

Sinh năm 1972, quê ở xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, thuở nhỏ, anh Nguyễn Văn Công là một học sinh xuất sắc, từng thi đậu và tốt nghiệp chuyên ngành Điện, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, anh ở lại thủ đô lập nghiệp. Song, có lẽ bởi được sinh ra và lớn lên từ ruộng đồng, nên mong muốn  trở về quê hương làm nông nghiệp luôn thôi thúc anh. Đó là lý do năm 2009, anh về thôn Xuân Yên, xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, quyết định đầu tư vốn xây dựng trang trại nuôi lợn nái sạch theo quy trình khép kín.

Kỹ sư điện đam mê nông nghiệp, thu tiền tỷ nhờ sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh 2.

Phân bón được ủ trong nhà có mái che

 Mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sau vài năm triển khai, việc xử lý chất thải ngay lập tức trở thành vấn đề lớn, khiến anh Công trăn trở. Vốn là người ưa mày mò, sáng tạo, lại có kiến thức trên nhiều lĩnh vực, năm 2011, anh bắt đầu tự nghiên cứu quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải lợn. 

Trên thế giới, việc nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vào nông nghiệp đã được thực hiện từ lâu, đem lại những hiệu quả hết sức tích cực cho nông nghiệp. 

Kỹ sư điện đam mê nông nghiệp, thu tiền tỷ nhờ sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh 2.

Sau khi ủ, phân hữu cơ sẽ được nghiền nhỏ cho ra thành phẩm

Tuy nhiên, tại Việt Nam, lĩnh vực này còn rất mới mẻ. Có thể nói, anh Nguyễn Văn Công là một trong những cá nhân đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa cũng như cả nước tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ theo hướng công nghiệp. Sau nhiều lần thử nghiệm thành công, năm 2014, anh quyết định mua sắm trang thiết bị, máy móc, đầu tư cơ sở vật chất, thành lập Công ty CP phân bón hữu cơ Miền Trung.

Khởi nghiệp thành công

Nói về quãng thời gian bắt đầu khởi nghiệp, anh Công bộc bạch: “Khi biết tôi có ý định thành lập doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, bạn bè nhiều người can ngăn, vì cho rằng lĩnh vực này không phù hợp với chuyên môn của tôi. Quả thật, giai đoạn đầu, tôi cũng gặp phải rất nhiều khó khăn về vốn, công nghệ sản xuất, định hướng phát triển… Nhưng tôi nghĩ, khởi nghiệp ở lĩnh vực nào cũng sẽ khó khăn, chứ không riêng gì sản xuất phân bón hữu cơ. Tôi đã giải quyết lần lượt từng vấn đề một, và đến giờ, hoạt động kinh doanh diễn ra khá ổn”.

Kỹ sư điện đam mê nông nghiệp, thu tiền tỷ nhờ sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh 3.

Mỗi năm, công ty anh Công sản xuất khoảng 2500 - 3.000 tấn phân hữu cơ vi sinh.

Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh của anh Nguyễn Văn Công được diễn ra hoàn toàn khép kín. Toàn bộ lượng phân chuồng được thu gom ở dạng rắn, tập kết tại nhà chứa có mái che. Sau đó, phân được loại bỏ các tạp chất trước khi đưa vào nhà xưởng, ủ xử lý bằng các chủng men vi sinh và các chế phẩm sinh học, nhằm giúp quá trình lên men, tạo mùn diễn ra nhanh chóng. Thời gian ủ kéo dài khoảng 30 ngày.

Ủ xong, phân được đưa ra nghiền và bổ sung thành phần dinh dưỡng như: Các yếu tố đa lượng, trung vi lượng, axit humix, các vi sinh vật, chủng nấm đối kháng có lợi...  qua đó, cung cấp đầy đủ thành phần dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.

Hiện tại, mỗi năm, Công ty của anh Công sản xuất khoảng 2.500-3.000 tấn phân hữu cơ vi sinh; cung ứng cho nhiều địa phương trong cả nước. Năm 2019, công ty là 1 trong 15 doanh nghiệp Khoa học công nghệ của tỉnh Thanh Hóa.

Kỹ sư điện đam mê nông nghiệp, thu tiền tỷ nhờ sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh 4.

Cánh đồng ớt tại Phú Lộc, Hậu Lộc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho năng suất cao.

Xã Phú Lộc, địa bàn đứng chân của Công ty CP phân bón hữu cơ Miền Trung, là một trong những địa phương đi đầu của huyện Hậu Lộc cũng như tỉnh Thanh Hóa trong sản xuất nông nghiệp sạch. Nhiều năm qua, xã tích cực mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vào các mô hình trồng rau màu trong nhà lưới, đảm bảo các tiêu chuẩn VietGAP, rau an toàn, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. 

Trước đây, người nông dân trong xã chủ yếu sử dụng phân vô cơ trong sản xuất, nhưng hiện nay đã chuyển đổi hoàn toàn sang việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần cải tạo đất nông nghiệp.

Ông Đoàn Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Mô hình sản xuất phân bón hữu cơ của anh Nguyễn Văn Công không chỉ có hiệu quả trong việc cải thiện môi trường, mà còn góp phần giúp Phú Lộc đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất rau hữu cơ. Khi sử dụng loại phân bón này canh tác, các loại cây trồng bớt sâu bệnh, đạt hiệu quả năng suất cao, đặc biệt, cho ra sản phẩm “sạch”, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, hiện nay, một số sản phẩm rau của Phú Lộc đã vào được một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, là Nhật Bản”.

Còn bà Lê Thị Anh, nông dân xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc thì chia sẻ: “Bắt đầu từ năm ngoái, gia đình tôi sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất cây bí. Qua một vài vụ, tôi thấy hiệu quả rõ rệt, bí ra nhiều trái, khi thu hoạch xong rồi, cây vẫn rất xanh tốt chứ không bị héo khô như khi dùng phân vô cơ chăm sóc. Đặc biệt, đất trồng tơi xốp hơn, nên vụ sau việc chăm sóc cây cũng đỡ tốn công hơn trước”.

Sử dụng phân bón hữu cơ là phương pháp canh tác truyền thống của người Việt suốt hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên gần đây, việc sử dụng phân vô cơ quá nhiều đã khiến hàng triệu ha đất nông nghiệp bị thoái hóa, bạc màu; đồng thời cũng để lại dư lượng hóa học trong sản phẩm, gây  hại cho sức khỏe con người. 

Sinh ra từ làng, luôn nuôi dưỡng trong mình bầu tâm huyết với nền nông nghiệp của quê hương, anh Nguyễn Văn Công đã bước đầu thành công với doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên chính quê hương mình. Trong tương lai, anh vẫn còn nhiều dự định ấp ủ nhằm tiếp tục hiện thực hóa và lan tỏa ước mơ góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững và an toàn cho sức khỏe con người.

Lam Giang
Cùng chuyên mục