Kỹ sư khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi

06/05/2021 10:00 GMT+7
Sau 3 năm khởi nghiệp với nhiều gian truân, thử thách, nhưng bằng sự cần cù, sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng kỹ sư chăn nuôi thú y Vương Kỳ Nam (28 tuổi), thôn Hưng Nhượng Bắc, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) đã sở hữu mô hình chăn nuôi vịt với số lượng lớn, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tạo cơ hội cho thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp, lập nghiệp Khởi nghiệp với sản phẩm "healthy" Chàng trai khuyết tật khởi nghiệp

Hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp

Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư chăn nuôi thú y Trường Đại học Nông lâm Huế, năm 2015, anh Nam bắt đầu làm việc tại một công ty thức ăn gia súc, gia cầm. Sau 2 năm làm việc ở thành phố, anh Nam quyết định về quê lập nghiệp, mong đem những gì học được góp phần phát triển kinh tế gia đình và quê hương.

Kỹ sư khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi vịt của anh Vương Kỳ Nam.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tịnh Đông, gia đình anh có diện tích đất khá lớn. Để hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp, anh mạnh dạn bỏ ra một số vốn lớn để xây dựng chuồng trại và nhập con giống về nuôi. Ban đầu, anh nuôi giống vịt cỏ, nhưng sau một thời gian thấy năng suất không cao. Năm 2019, anh chuyển qua giống vịt thuần chủng Cherry Valley, hay còn gọi là vịt Anh Đào. Đây là giống vịt của Công ty Haid feed và anh cũng là người tiên phong nuôi giống vịt này đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Anh Nam cho biết: “Ưu điểm của giống vịt này là sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, thịt ngon và năng suất cao. Mình có ưu thế là được học qua trường lớp, nên không gặp khó khăn về kỹ thuật, phương pháp trong chăn nuôi và xây dựng chuồng trại. Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi khó tránh khỏi dịch bệnh”.

Mặc dù có kiến thức đã được học bài bản, nhưng anh Nam vẫn tích cực trau dồi kiến thức từ thực tiễn thông qua các hộ chăn nuôi khác. Với hình thức chăn nuôi khép kín và an toàn, hiện nay mỗi lứa anh thả khoảng 3.000 con vịt, thu lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Ngoài chăn nuôi vịt, anh Nam còn cung cấp giống, thức ăn để tăng thu nhập. Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài” được áp dụng hiệu quả vào mô hình chăn nuôi vịt của mình, đến nay, anh Nam đã từng bước gầy dựng kinh tế vững vàng cho bản thân và gia đình. Không những vậy, anh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ dân địa phương. Những năm qua, anh Nam đã hỗ trợ đầu ra cho 10 hộ chăn nuôi khác. Bởi vì, người dân địa phương thường chăn nuôi tự phát, nên không có đầu ra cho sản phẩm, bị ép giá là điều khó tránh khỏi.

“Để giúp đỡ người dân địa phương, tôi đã xây dựng một chuỗi mô hình chăn nuôi vịt theo kiểu xoay vòng. Trong đó, có 10 hộ dân tham gia, mỗi hộ nuôi 500 con vịt. Nhờ vậy, sản phẩm không bị ứ đọng”, anh Nam thổ lộ.

Từ khi có được đầu ra đảm bảo, các hộ dân trong chuỗi mô hình chăn nuôi vịt theo kiểu xoay vòng an tâm hơn trong chăn nuôi và có đời sống kinh tế ổn định. Điển hình là anh Đặng Hiếu Thảo (31 tuổi), thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông. Lúc đầu, anh Thảo chỉ đi làm thuê cho anh Nam. Trong quá trình làm thuê, anh Thảo đã được anh Nam tận tình giúp đỡ về kinh nghiệm, kỹ thuật, nên anh Thảo đã xây dựng mô hình chăn nuôi vịt với số lượng lớn để phát triển kinh tế gia đình.


Kim Trang
Cùng chuyên mục