Lãi lớn giữa mùa Covid-19 nhờ bán bàn, ghế, tủ gỗ... qua mạng online

Nguyễn Vy Thứ bảy, ngày 03/04/2021 17:54 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 làm hạn chế việc di chuyển, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ làm việc tại nhà, đã khiến xuất khẩu gỗ nội thất qua kênh thương mại điện tử phát triển rất nhanh thời gian gần đây.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ nội thất online

Theo Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp (CSIL) Ý, các nhà sản xuất, xuất khẩu gỗ nội thất văn phòng đang đầu tư mạnh vào kênh thương mại điện tử. Và phần lớn trong số họ đã sử dụng kênh này từ năm 2020.

Bình thường, lĩnh vực thương mại điện tử với đồ gỗ nội thất chỉ chiếm chưa đến 5% doanh thu của các doanh nghiệp. Trong khi tiêu thụ đồ nội thất văn phòng toàn cầu giảm vào năm 2020, thì mức tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử lại tăng với tốc độ hai con số, CSIL cho biết.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ nội thất tăng mạnh từ đầu năm 2021

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ nội thất tăng mạnh từ đầu năm 2021

Bà Lê Thị Xuyến - Tổng giám đốc công ty Chế biến gỗ Thuận An (TAC) ở Bình Dương kể, từ tháng 4/2020, khách hàng giãn đơn hàng từ 2 tuần đến 2 tháng. Đến giữa năm 2020, công ty mới bắt đầu xuất lại các đơn hàng mà khách đã đặt hàng trước đó.

Theo bà Xuyến, khi không có dịch, việc tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trực tiếp sẽ dễ dàng giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Tuy nhiên, hình thức này có nhược điểm là sản phẩm cồng kềnh, không thể nào di chuyển 1 lúc hàng trăm mẫu mã khác nhau đến hội chợ.

Hiện tại, các sự kiện xúc tiến thương mại, trong đó có các hội chợ, triển lãm đồ gỗ ở nước ngoài đang hạn chế do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. Thương mại điện tử là giải pháp vừa giúp công ty kết nối với bạn hàng, vừa giảm giá thành sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh.

Công nhân sản xuất đồ gỗ nội thất tại công ty Chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương

Công nhân sản xuất đồ gỗ nội thất tại công ty Chế biến gỗ Thuận An, Bình Dương

Từ năm 2020, cùng với việc duy trì đơn hàng ở các thị trường truyền thống, TAC quyết định mở Showroom 3D để giới thiệu sản phẩm do chính công ty TAC thiết kế ngay tại Việt Nam.

Việc mở showroom 3D trên kênh online là một bước đột phá mà TAC thực hiện để giới thiệu, tìm kiếm các đơn hàng mới được nhiều hơn và tốt hơn.

Dù chịu tác động từ Covid-19, tổng doanh thu năm 2020 của công ty vẫn đạt hơn 591 tỷ đồng (đạt 91,3% kế hoạch), trong đó có sự đóng góp lớn từ kênh thương mại điện tử.

Showroom trực tuyến giới thiệu sản phẩm gỗ nội thất của công ty gỗ Thuận An

Showroom trực tuyến giới thiệu sản phẩm gỗ nội thất của công ty gỗ Thuận An

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,7 tỷ USD; tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,86 tỷ USD; tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Đồ gỗ nội thất vẫn là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Năm 2021, công ty gỗ Thuận An cũng mạnh dạn nâng tổng doanh thu dự kiến đạt hơn 593 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 23,6 tỷ đồng.

Công nhân TAC đóng hàng chuẩn bị xuất khẩu

Công nhân TAC đóng hàng chuẩn bị xuất khẩu

Trong đó, TAC cho biết, sẽ tiếp tục phát triển kênh thương mại điện tử, tạo ra thêm nhiều kênh mua sắm online. Các dòng sản phẩm xuất khẩu cũng được cải tiến theo hướng lắp ráp đơn giản, gọn nhẹ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Theo bà Xuyến, thương mại điện tử là một hình thức bán hàng được ưa chuộng trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Và khi dịch được khống chế, sẽ có nhiều khách hàng đến tham quan trực tiếp sau khi đã biết đến showroom của TAC.

"Lúc đó, công ty lại có điều kiện tự tin để lựa chọn khách hàng với các đơn hàng có giá trị gia tăng cao hơn", bà Xuyến chia sẻ.

Bà Lê Thị Xuyến (giữa) giới thiệu sản phẩm gỗ nội thất cho khách hàng đến tham quan trực tiếp tại showroom

Bà Lê Thị Xuyến (giữa) giới thiệu sản phẩm gỗ nội thất cho khách hàng đến tham quan trực tiếp tại showroom

Bình Dương là tỉnh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2020, với giá trị đạt 5,68 tỷ USD; chiếm trên 47,3% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ cả nước.

Tại cuộc họp đóng góp ý kiến cho đề án phát triển ngành chế biến gỗ Bình Dương giai đoạn 2025-2030 tháng 3 vừa qua, Sở Công thương cho biết sẽ đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh. Trong đó có việc đưa các sản phẩm của doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh giao thương trực tuyến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem