Lãi suất 0% của FED "đáng được hoan nghênh" dù rủi ro suy thoái vẫn bao trùm kinh tế Mỹ

16/03/2020 18:39 GMT+7
Động thái mới đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bao gồm cắt giảm lãi suất xuống mức 0% và gói nới lỏng định lượng QE 700 tỷ USD “xứng đáng được hoan nghênh”, một cựu quan chức FED nhận định.

Dennis Lockhart, Cựu Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta hôm 15/3 trả lời phỏng vấn tờ CNBC cho hay động thái hỗ trợ kinh tế mới nhất của FED, trong đó có việc đưa mức lãi suất mục tiêu về 0 xứng đáng được hoan nghênh dù rủi ro suy thoái vẫn bao trùm nền kinh tế Mỹ do sự bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu.

“Tôi nghĩ rằng suy thoái là một rủi ro lớn với kinh tế Mỹ khi chúng ta đang đối phó với rất nhiều sự không chắc chắn xoay quanh việc đại dịch sẽ diễn biến ra sao, tác động của nó tới nền kinh tế như thế nào… Không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra” - ông Dennis Lockhart nhận định.

“Nói cách khác, tôi nghĩ rằng FED xứng đáng được hoan nghênh vì đã đi trước bằng những động thái nới lỏng hết mức có thể."

Lãi suất 0% của FED "đáng được hoan nghênh" dù rủi ro suy thoái vẫn bao trùm kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố Ngân hàng Trung Ương sẽ đưa lãi suất về mức mục tiêu 0-0,25% nhưng không có ý định điều chỉnh sâu hơn nữa xuống mức lãi suất âm

Hôm 15/3, FED đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ khi dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này cũng như nhiều vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Các biện pháp cụ thể bao gồm cắt giảm 1% lãi suất cơ bản, qua đó đưa lãi suất mục tiêu xuống mức 0-0,25%, tương đương với mức thấp kỷ lục hồi năm 2015. Song song với đó, FED cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng xuống 0% để kích thích khả năng tiếp cận nguồn tín dụng đến doanh nghiệp và hộ gia đình, đồng thời tung gói nới lỏng định lượng trị giá 700 tỷ USD để mua trái phiếu và chứng khoán thế chấp.

Hành động cắt giảm lãi suất về 0 được đưa ra chỉ hai tuần sau khi FED bất ngờ cắt giảm lãi suất 0,5%, đưa lãi suất cơ bản xuống mức 1-1,25%. Không riêng FED, nhiều ngân hàng Trung Ương trên toàn cầu cũng đang cân nhắc cắt giảm lãi suất và nhiều biện pháp nới lỏng khác để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. Tính đến chiều 16/3, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, toàn cầu xác nhận 167.710 ca nhiễm Covid-19 và 6.506 ca tử vong. Riêng tại Mỹ, CDC báo cáo 3.689 ca nhiễm Covid-19 và 68 ca tử vong. Các quốc gia Châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… cũng trở thành tâm điểm dịch bệnh với số ca nhiễm virus corona đáng báo động.

Theo ông Dennis Lockhart, FED gần như đã dành mọi dư địa nới lỏng hiện có trong mức lãi suất mục tiêu để hỗ trợ nền kinh tế, và không có khả năng cắt giảm thêm nữa để đưa lãi suất xuống mức âm. Chủ tịch FED Jerome Powell hôm 15/3 cũng phát biểu trong cuộc họp báo rằng ông không nghĩ chính sách lãi suất âm phù hợp với Mỹ. Điều đó có nghĩa là giờ đây, ngân hàng Trung Ương Mỹ có thể sẽ có ít lựa chọn hơn để kích thích nền kinh tế Mỹ trước những rủi ro tương lai.

Trước khi FED hạ lãi suất về 0, các nhà phân tích Goldman Sachs đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2020. Theo đó, kinh tế Mỹ được dự đoán tăng trưởng 0% trong quý I, tăng trưởng -5% trong quý II trước khu phục hồi mạnh mẽ trong hai quý cuối năm 2020. 

Nhận định về động thái của FED, các nhà phân tích cho hay rất khó để biết những hành động khẩn cấp này có giúp Mỹ tránh khỏi rủi ro suy thoái kinh tế hay không.

Randy Kroszner, cựu thống đốc FED nhiệm kỳ 2006-2009 cho biết FED vẫn có thể sử dụng một số công cụ khác ngoài cắt giảm lãi suất để điều tiết nền kinh tế, bao gồm cả chính sách tài khóa trong bối cảnh bất ổn hiện tại. “FED có thể dùng nhiều cách để tăng thanh khoản vào thị trường, nhưng không thể giải quyết sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và kiểm soát dịch virus corona”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục