Thị trường phản ứng ra sao khi FED cắt giảm lãi suất về 0?

16/03/2020 10:19 GMT+7
Bất chấp động thái mạnh mẽ cắt giảm lãi suất 1%, đưa lãi suất cơ bản về mức mục tiêu 0-0,25% của FED, thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn giảm mạnh khi sự hoảng loạn tăng lên trong giới đầu tư.

Chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ

Thị trường phản ứng ra sao khi FED cắt giảm lãi suất về 0? - Ảnh 1.

Dow Jones tương lai tụt 1.000 điểm khi FED đưa lãi suất cơ bản về 0

Thị trường chứng khoán Châu Á hầu hết giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng 16/3 sau thông tin FED đưa lãi suất cơ bản xuống mức 0 và tung chương trình nới lỏng định lượng khẩn cấp trị giá tới 700 tỷ USD.

Tại Australia, chỉ số S & P / ASX 200 giảm mạnh 7,6% khi cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng tụt mạnh. Cổ phiếu Tập đoàn Ngân hàng New Zealand và Australia sụt giảm 10,21 %, cổ phiếu Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia giảm 8,38% trong khi Ngân hàng Westpac giảm 9,46% và Ngân hàng Quốc gia Australia giảm mạnh 9,8%.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 2,5% trong phiên giao dịch sáng.

Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,81% trong khi Shenzhen Composite giảm 1,046%.

Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Nhật Bản tăng giảm liên tục trong phiên giao dịch sáng trong khi chỉ số Topix nhích nhẹ 0,55%.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,53%.

Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 3,05%.

Nhìn chung, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tụt 2,57%.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh sau quyết định cắt giảm lãi suất về 0 của FED. Chỉ số Dow Jones tương lai giảm hơn 1.000 điểm trong khi hai chỉ số chính khác là Nasdaq Composite và S&P 500 đều giảm mạnh.

Daniel Gerard, chiến lược gia tài sản cao cấp State Street Global Markets lý giải một trong những nguyên nhân khiến thị trường phản ứng tiêu cực như vậy là do hành động mạnh mẽ của FED có vẻ như để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế nhiều hơn là hỗ trợ kinh tế. Tức là phần nhiều thị trường nhìn thấy sự hoảng loạn trong phản ứng khẩn cấp của FED, đặc biệt khi số ca nhiễm virus corona tăng đột biến trên toàn cầu, khiến công tác kiểm soát bệnh dịch trở nên ngày càng khó khăn. Chính FED cũng thừa nhận sự bùng phát dịch bệnh đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. 

Các nhà kinh tế JP Morgan mới đây dự đoán mức tăng trưởng âm trong quý I cho nền kinh tế Mỹ, trong khi Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng quý I xuống 0,7%, mức thấp kỷ lục.

Giá dầu tiếp đà giảm

Trong phiên giao dịch sáng trên sàn giao dịch Châu Á, giá dầu thô Brent giảm 2,75% xuống còn 32,92 USD / thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô Mỹ cũng giảm 1,86% xuống còn 31,14 USD / thùng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm sâu

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giao dịch ở mức 0,67% sau khi kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu trên 0,9%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giao dịch ở mức 0,296%.

Giá vàng leo dốc

Giá vàng tăng vọt 36 USD/oz, từ 1.530 USD/oz lên 1.576,6 USD/oz ngay khi mở cửa thị trường châu Á ngày 16/3, tức vài giờ sau quyết định cắt giảm lãi suất xuống 0 của FED. Ít giờ sau, giá vàng tiếp tục tăng giảm liên tục, có thời điểm giảm xuống 1.548 USD/oz trước khi tăng trở lại 1.551 USD/oz, tức tăng 21 USD/oz so với mức chốt phiên giao dịch tuần trước.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục