Làm giàu từ "rác" nông nghiệp
Nhiều năm qua, rơm được tái chế thành vật liệu xây dựng. Ý tưởng này do Bisman Deu, 16 tuổi ở New Delhi (Ấn Độ), nghĩ ra khi thường xuyên chứng kiến cha đốt những ụ rơm dư thừa. Nhờ sự trợ giúp của tổ chức Sáng kiến thay đổi cuộc sống, Bisman Deu trộn rơm, trấu và các hóa chất, ép thành các tấm vật liệu nguyên khối, được gọi là "gỗ xanh". "Gỗ xanh" thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Ấn Độ để sản xuất hàng loạt đưa ra thị trường, bởi vật liệu này không bị nấm mốc và chống thấm tốt. Bên cạnh việc giúp người dân có thể xây nhà bằng vật liệu rẻ tiền, sáng kiến "gỗ xanh" giúp giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm trấu. Tro rơm rạ cũng có thể bán cho các nhà máy xi măng dùng làm chất phụ gia để sản xuất loại xi măng không gây hại cho môi trường.
Ấn Độ sản xuất khí sinh học từ rơm rạ Ảnh: BHS-Sonthofen
Rơm rạ là nguồn nguyên liệu có thể mang lại lợi nhuận cao Ảnh: pxhere.com
Ai Cập giảm đốt rơm rạ để bảo vệ môi trường Ảnh: Egypt Today
Nhóm các nhà khoa học ở Phòng Thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ (NREL) lại nghiên cứu sản xuất sợi carbon (carbon fiber) từ thân rơm. Nghiên cứu này được kỳ vọng mở ra cơ hội sản xuất những chiếc xe hơi giá rẻ và giúp giảm khí thải CO2. Để làm ra sợi carbon từ thực vật, nhóm nghiên cứu phân hủy nguyên liệu thực vật thành đường, biến chúng thành axít. Sau khi sử dụng một chất xúc tác rẻ tiền, họ có thể sản xuất acrylonitrile, làm thành sợi carbon. Quy trình này không gây thải nhiệt quá mức và không kèm theo sự hình thành các sản phẩm phụ độc hại.
Rơm rạ, bã mía hay trấu đều có thể tái chế thành nhiên liệu sinh học. Ở một số nước như Thái Lan, Indonesia, Ai Cập, Ấn Độ, họ triển khai những dự án sản xuất điện, than sinh học từ rơm rạ. Nhà máy sản xuất điện từ rơm rạ ở đảo Bali (Indonesia) có công suất gần 22 MW cung cấp điện cho khoảng 60.000 hộ gia đình. Ở tỉnh Pichit của Thái Lan, nhà máy sản xuất điện từ rơm có công suất tiêu thụ 150.000 tấn rơm/năm. Nhiều năm qua, những nhà máy sản xuất điện từ rơm ở Thái Lan ước tính có thể tiết kiệm được đến 88.000 tấn than đá hoặc 59 triệu lít dầu mỗi năm. Tại Ai Cập, không chỉ sản xuất năng lượng từ rơm, nước này còn triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến rơm rạ thành gỗ, có trị giá 230 triệu USD.
Một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan… việc sử dụng rơm trong lĩnh vực sản xuất giấy cũng được quan tâm. Tuy màu sắc sản phẩm không được sáng nhưng chất lượng giấy tốt. Trong khi đó, Hàn Quốc đang cố gắng loại bỏ hoàn toàn ống hút, ly nhựa ở các cửa hàng vào năm 2027, chuyển sang dùng ống hút từ rơm.