Lạm phát tại Mỹ vẫn tăng nhanh vượt dự báo, chuyên gia nói gì?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2008, ngay trước thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Con số này cũng cao hơn ước tính của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Dow Jones là 5%.
Trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ số CPI lõi của Mỹ tăng 4,5%, mức tăng mạnh nhất hàng tháng của chỉ số này kể từ tháng 9/1991 và cao hơn nhiều mức dự báo 3,8%.
Giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng vọt 10,5%, đóng góp 1/3 vào tổng mức tăng của CPI. Trong 12 tháng qua, giá mặt hàng này đã nhảy vọt 45,2%.
Giá lương thực và năng lượng cũng tăng đáng kể với mức tăng lần lượt là 0,8% và 1,5% trong tháng. Chỉ số xăng dầu đã tăng 2,5% trong tháng 6 và tăng 45,1% trong vòng 12 tháng qua. Giá thực phẩm tăng 2,4% trong năm.
So với tháng liền trước, CPI toàn phần và CPI lõi tăng 0,9% so với mức ước tính 0,5%.
Sau báo cáo của Bộ Lao động, hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán nhanh chóng giảm.
Sarah House, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư Wells Fargo nhận định: “Những con số cho thấy thực tế áp lực lạm phát vẫn nghiêm trọng hơn mức dự báo và sẽ kéo dài hơn ước tính trước đây. Chúng ta đang chứng kiến những lĩnh vực ghi nhận áp lực lạm phát liên tục tăng ngay cả khi lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau những đợt tăng nghiêm trọng ở một số lĩnh vực khác trong nền kinh tế”.
Một báo cáo riêng từ Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động ghi nhận rằng giá tiêu dùng tăng mạnh hàng tháng đã dẫn đến mức lương thực tế âm cho người lao động. Thu nhập trung bình hàng giờ thực tế đã giảm 0,5% trong tháng, do mức tăng 0,3% trong thu nhập bình quân hàng giờ bị thổi bay bởi mức tăng CPI quá lớn.
Lạm phát tại Mỹ đã leo thang trong nhiều tháng qua do hàng loạt yếu tố bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu tăng cao bất thường khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt và nền kinh tế mở cửa trở lại.
Các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang và Nhà Trắng kỳ vọng áp lực hiện tại sẽ giảm bớt trong dài hạn, dù các quan chức ngân hàng trung ương thừa nhận rằng lạm phát đang mạnh hơn và có khả năng kéo dài hơn dự kiến.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed Jerome Powell dự kiến sẽ có phiên điều trần vào hôm 14-15/7 tới đây tại Hội đồng Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Nhiều khả năng trọng tâm điều trần sẽ xoay quanh vấn đề lạm phát. Trước đó, Fed đã cam kết không tăng lãi suất cho đến ít nhất năm 2023, chừng nào nền kinh tế khôi phục toàn diện và thị trường lao động trở về trạng thái toàn dụng, ngay cả khi lạm phát cao hơn mức mục tiêu 2%.
“Chúng tôi đã thấy dấu hiệu Fed ngày càng quan ngại hơn về lạm phát trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6 (của Ủy ban Thị trường mở FOMC thuộc Fed)” - bà Sarah House cho hay.
Biên bản tóm tắt cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra vào giữa tháng 6 của FOMC chỉ cung cấp một số cách tiếp cận mới xoay quanh vấn đề bao giờ Ngân hàng Trung ương nên bắt đầu giảm quy mô chương trình mua tài sản (nới lỏng định lượng) đang diễn ra.
Một số thành viên Fed chỉ ra rằng đà phục hồi kinh tế Mỹ đang diễn ra nhanh hơn dự kiến, kèm theo đó là sự gia tăng quá mức của lạm phát. Cả hai động lực này thúc đẩy Fed đảo chiều chính sách tiền tệ nới lỏng sớm hơn dự kiến.
Tuy nhiên, quan điểm phổ biến trong FOMC là không nên vội vàng đảo chiều chính sách tiền tệ và thị trường cần được chuẩn bị tâm lý để thích ứng với bất kỳ thay đổi nào. Theo biên bản cuộc họp, hầu hết các thành viên FOMC đồng ý rằng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về sự “cải thiện đáng kể” mà Fed đã đặt ra cho bất kỳ sự thay đổi chính sách quan trọng nào.