Một thước đo lạm phát của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong gần 3 thập kỷ
Chỉ số giá theo dõi chi tiêu tiêu dùng cá nhân, gọi tắt là PCE, đã tăng vọt 3,9% trong giai đoạn 5/2020-5/2021, theo báo cáo mới nhất do BEA công bố hôm 25/6. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2008, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nó cũng cao hơn hẳn mức tăng nóng 3,6% trong tháng 4 vừa qua.
Một thước đo lạm phát khác, chỉ số PCE lõi, bao gồm các thành phần dễ biến động như giá thực phẩm và năng lượng, hiện ở mức 3,4% trong cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 4/1992.
Tuy nhiên, báo cáo hôm 25/6 của BEA cũng chỉ ra một tin tức tích cực là chỉ tính riêng trong tháng 5, chỉ số lạm phát của nền kinh tế Mỹ đã tăng 0,4%, thấp hơn mức 0,6% trong hai tháng trước đó.
Các chỉ số giá sản xuất và tiêu dùng tại Mỹ đã tăng trong nhiều tháng qua khi nền kinh tế mở cửa trở lại hậu đại dịch, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ hiện tượng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu nguyên vật liệu trên toàn cầu. Các nhà kinh tế hiện đang quan ngại rằng khi lạm phát tăng quá nhanh trong nền kinh tế, người tiêu dùng có thể thắt chặt chi tiêu. Điều này sẽ đe dọa tốc độ phục hồi tiềm năng.
Tuy vậy hiện tại, chi tiêu tiêu dùng vẫn đang ổn định. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng được đo lường bởi Đại học Michigan đã cho thấy sự lạc quan trong tháng 6, mặc dù mức độ lạc quan không lớn như dự báo trước đó. Nhưng điều đáng chú ý là nhóm hộ gia đình kiếm được trên 100.000 USD là những người góp phần lớn vào sự lạc quan này.
Richard Curtin, nhà kinh tế trưởng phụ trách cuộc khảo sát người tiêu dùng của đại học Michigan cho biết: “Người tiêu dùng tiếp tục chú ý đến ba yếu tố quan trọng: lạm phát, thất nghiệp và lãi suất”. Họ kỳ vọng việc tăng giá chỉ là xu hướng tạm thời và lạm phát cuối cùng sẽ giảm về mức tiệm cận mức mục tiêu của Fed.
Ngoài chỉ số giá tiêu dùng cao đột biến, báo cáo của BEA cũng cho thấy thu nhập cá nhân tại Mỹ đã giảm 2% trong tháng 5 và thu nhập khả dụng giảm 2,3%. Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng gần như không đổi với mức tăng dưới 0,1%. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân là 12,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Mặc dù đa số người tiêu dùng tỏ ra lạc quan về tiềm năng kinh tế, nhưng rủi ro xoay quanh cuộc khủng hoảng đại dịch vẫn còn hiện hữu. Điều này có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tiết kiệm trong nền kinh tế, theo ông Curtin.
Các nhà đầu tư hiện đang đổ dồn sự chú ý vào động thái tiếp theo của Fed trong bối cảnh chỉ số lạm phát tăng nhanh trong nhiều tháng qua.
Trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở mới nhất vào tuần trước, Ủy ban thị trường mở FOMC thuộc Fed đã nhất trí tiếp tục neo lãi suất cho vay ngắn hạn tiêu chuẩn ở mức tiệm cận 0 như cũ, nhưng gợi ý việc tăng lãi suất có thể được thúc đẩy sớm nhất vào năm 2023. Đây là một dấu hiệu cho thấy Fed có thể sẽ sớm đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh hơn dự báo. Trong cuộc họp hồi tháng 3, FOMC từng cho rằng lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức tiệm cận 0 hiện tại cho đến ít nhất năm 2024.
Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận lạm phát đang tăng cao hơn mức dự kiến của Fed, nhưng tiếp tục nhấn mạnh rằng áp lực lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời của nền kinh tế. Fed cũng điều chỉnh tăng dự báo lạm phát tiêu chuẩn lên 3,4%, cao hơn 1% so với dự báo hồi tháng 3. Tuy nhiên, trong dài hạn, ngân hàng Trung ương dự báo lạm phát tiêu chuẩn sẽ ổn định về mức 2,1% trong năm 2022, tức chỉ cao hơn 0,1% so với mức lạm phát mục tiêu là 2%.