Làn sóng tẩy chay H&M, Nike là đòn 'dằn mặt' mà Trung Quốc gửi đến các thương hiệu phương Tây

28/03/2021 10:00 GMT+7
Hàng loạt thương hiệu bán lẻ đình đám thế giới như H&M, Nike, Adidas, thậm chí cả nhãn hàng thời trang xa xỉ Burberry vừa bị cuốn vào một cơn bão tẩy chay ở thị trường Trung Quốc.

Tuần qua, nhiều nhãn hàng phương Tây bị người dùng Trung Quốc quay lưng bởi một thông điệp họ từng đưa ra trước đây liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Cơn bão tẩy chay H&M và loạt thương hiệu đình đám bắt đầu khi truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 24/3 đã chỉ đích danh H&M vì một tuyên bố hồi năm ngoái. Trong tuyên bố đó, hãng thời trang bán lẻ Thụy Điển bày tỏ sự quan ngại về hàng loạt cáo buộc liên quan đến hành vi lao động cưỡng bức ở Tân Cương. 

Làn sóng tẩy chay H&M, Nike là đòn 'dằn mặt' mà Trung Quốc gửi đến các thương hiệu phương Tây - Ảnh 1.

Làn sóng tẩy chay H&M, Nike là đòn 'dằn mặt' mà Trung Quốc gửi đến các thương hiệu phương Tây

Nhiều người dùng MXH Trung Quốc sau đó đã lục lại hàng loạt tuyên bố tương tự của các nhà bán lẻ nước ngoài khác liên quan đến vấn đề Tân Cương như Adidas, New Balance, Uniqlo, Nike… Tiêu biểu, một tuyên bố của Nike khẳng định: “Chúng tôi quan ngại về các báo cáo liên quan đến tình trạng lao động cưỡng bức ở Khu tự trị tộc người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Nike không cung cấp các sản phẩm từ Tân Cương và chúng tôi cũng đã xác nhận với các nhà cung cấp mà chúng tôi hợp tác về việc không sử dụng bông, sợi dệt từ khu vực này”.

Hàng chục người nổi tiếng Trung Quốc đã chấm dứt hợp đồng hoặc cắt đứt quan hệ với các thương hiệu từng tuyên bố không sử dụng bông Tân Cương.

Cổ phiếu Nike, Adidas, Burberry và H&M đồng loạt giảm trong phiên giao dịch 25/3 trước khi phục hồi nhẹ vào phiên giao dịch cuối tuần 26/3. Dù vậy, sự quay lưng của người dùng Trung Quốc với những ông lớn này chính là lời nhắc nhở các thương hiệu phương Tây về sức mạnh của thị trường tỷ dân. 

Nhà phân tích Aneesha Sherman từ Bernstein cho hay: “Đó là một vị trí khó khăn. Các thương hiệu không thể bỏ qua lập trường của họ, nhưng họ cũng không muốn bỏ qua thị trường Trung Quốc”.

Trung Quốc đóng góp khoảng 5% doanh số bán hàng của H&M vào năm 2019. Sherman ước tính con số đó đã tăng lên khoảng 10% vào năm 2020, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi từ sau đại dịch Covid-19 nhanh hơn hẳn phần còn lại của thế giới. 

Để đối phó với cơn bão dư luận phẫn nộ ở Trung Quốc, H&M đã đưa ra một tuyên bố khẳng định hoàn toàn người tiêu dùng Trung Quốc và cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại thị trường tỷ dân này. Nhưng đến sáng 25/3, H&M đã không còn tồn tại trên một số bản đồ định vị cửa hàng tại Trung Quốc. Tìm kiếm các cửa hàng H&M trên Baidu Maps không mang lại kết quả nào. Gian hàng trực tuyến chính thức của H&M trên Tmall - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba - cũng đã bị vô hiệu hóa trong đêm. Cho đến nay, thương hiệu bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới đã bị gỡ khỏi tất cả các trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. 

Các thương hiệu xa xỉ như Burberry thậm chí còn chịu tác động nặng nề hơn. Trong báo cáo thường niên gần nhất, Burberry đã nhấn mạnh rằng “bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc” sẽ là rủi ro đáng kể với doanh số của hãng.

Rõ ràng, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang tồn tại khi ông Biden nắm quyền tại Nhà Trắng và tuyên bố duy trì quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh. Tân Tổng thống Mỹ cũng kéo các đồng minh phương Tây vào cuộc, điều đó tạo ra thách thức lớn với các công ty phương Tây hoạt động tại Trung Quốc.


NTTD
Cùng chuyên mục