Sau H&M và Nike, thêm nhiều nhãn hàng bị cuốn vào cơn bão tẩy chay tại Trung Quốc

25/03/2021 17:26 GMT+7
Hàng loạt thương hiệu bán lẻ nước ngoài đã phải đón nhận cơn bão chỉ trích, thậm chí tẩy chay của dư luận Trung Quốc do bị khơi lại những tuyên bố liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Đầu tuần này, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực phía Tây Tân Cương sau khi bị Mỹ và khối đồng minh gồm EU, Anh, Canada áp lệnh trừng phạt với hàng loạt quan chức. Để đáp trả, Bắc Kinh cũng áp đặt biện pháp trừng phạt trả đũa với hàng loạt nhà lập pháp, học giả và tổ chức ở châu Âu.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 24/3 đã chỉ đích danh H&M vì một tuyên bố hồi năm ngoái, trong đó hãng thời trang bán lẻ Thụy Điển bày tỏ sự quan ngại về hàng loạt cáo buộc liên quan đến hành vi lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Sau H&M và Nike, thêm nhiều nhãn hàng bị cuốn vào cơn bão tẩy chay tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Sau H&M và Nike, thêm nhiều thương hiệu bị cuốn vào cơn bão tẩy chay tại Trung Quốc

Không riêng H&M, Nike cũng hứng chịu cơn bão chỉ trích trên MXH Trung Quốc với tuyên bố: “Chúng tôi quan ngại về các báo cáo liên quan đến tình trạng lao động cưỡng bức ở Khu tự trị tộc người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Nike không cung cấp các sản phẩm từ Tân Cương và chúng tôi cũng đã xác nhận với các nhà cung cấp mà chúng tôi hợp tác về việc không sử dụng bông, sợi dệt từ khu vực này”.

Nhiều người dùng MXH Trung Quốc sau đó đã lục lại hàng loạt tuyên bố tương tự của các nhà bán lẻ nước ngoài khác liên quan đến vấn đề Tân Cương như Adidas, New Balance, Uniqlo.., khiến những nhãn hàng này cũng lao đao theo. Một số người thậm chí kêu gọi “tẩy chay” các nhãn hàng như Nike, Adidas để ủng hộ thương hiệu địa phương như Li Ning và Anta. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đại lục đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng người đại diện với các thương hiệu H&M, Nike, Adidas khi sức ép dư luận quá lớn.

Các thành viên trong Sáng kiến Bông chất lượng gồm Nike, Adidas, H&M và Fast Retailing (công ty mẹ Uniqlo) là nhóm bị tấn công nặng nề nhất bởi người dùng mạng Trung Quốc. Hồi tháng 10 năm ngoái, nhóm này đã tạm ngừng sử dụng bông có nguồn gốc Tân Cương trong sản xuất BST 2020-2021 với lý do quan ngại về hành vi vi phạm nhân quyền.

“Nếu họ tẩy chay bông Tân Cương, chúng ta sẽ tẩy chay họ. Hoặc là Adidas rời nhóm BCI, hoặc là rời thị trường Trung Quốc” - một người dùng để lại bình luận trên MXH.

Để đối phó với cơn bão dư luận phẫn nộ ở Trung Quốc, H&M đã đưa ra một tuyên bố khẳng định hoàn toàn người tiêu dùng Trung Quốc và cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại thị trường tỷ dân này. Nhưng đến sáng 25/3, H&M đã không còn tồn tại trên một số bản đồ định vị cửa hàng tại Trung Quốc. Tìm kiếm các cửa hàng H&M trên Baidu Maps không mang lại kết quả nào. Gian hàng trực tuyến chính thức của H&M trên Tmall - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba - cũng đã bị vô hiệu hóa trong đêm.

Ngược lại, cổ phiếu của Anta Sports Products Ltd đã tăng hơn 6% trên sàn giao dịch Hồng Kông vào thứ Năm sau khi hãng này đưa ra một tuyên bố cho biết sẽ tiếp tục sử dụng bông từ Tân Cương. Cổ phiếu của Li Ning cũng tăng hơn 7%.


NTTD
Cùng chuyên mục