Lạng Sơn tập trung phát triển 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực

12/06/2020 08:58 GMT+7
4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm Hồi, Quế, Rau và Thạch đen đang được tỉnh Lạng Sơn quan tâm đầu tư phát triển thành chuỗi giá trị. Từ đó xây dựng thương hiệu, nâng cao năng suất và giá trị kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Để hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị hàng hoá các sản phẩm nông nghiệp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, tỉnh Lạng Sơn vừa phê duyệt Kế hoạch chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực tỉnh Lạng Sơn. 

Kế hoạch chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung đầu tư phát triển nâng cao 4 chuỗi giá trị nông nghiệp ưu tiên của tỉnh Lạng Sơn gồm: Hồi, Quế, Rau và Thạch đen. 

Trong đó: Chuỗi giá trị Hồi: Giai đoạn 2020 – 2023, tổng sản lượng hoa Hồi khô toàn tỉnh năm 2023 tăng lên 15.000 tấn, tăng 4% so với năm 2019. Giá trị sản phẩm Hồi tham gia xuất khẩu của toàn tỉnh năm 2023 tăng 10% so với năm 2018. Giai đoạn 2024 – 2030, tổng sản lượng hoa Hồi khô toàn tỉnh duy trì ổn định ở mức 15.000 tấn/năm. Giá trị sản phẩm Hồi tham gia xuất khẩu của toàn tỉnh năm 2030 tăng 20% so với năm 2023. 

Được biết, Văn Quan là huyện có diện tích trồng hồi lớn nhất toàn tỉnh, đến nay, tổng diện tích đạt trên 14.000 ha, trong đó có 10.000 ha đang cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch hoa hồi chính vụ từ tháng 7 đến tháng 10. Năm nay, hồi chính vụ được mùa và được giá cao nên bà con nhân dân trên địa bàn huyện rất vui mừng, phấn khởi. 

Lạng Sơn: Tập trung phát triển chuỗi giá trị 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực - Ảnh 1.

Mùa hồi khô ở huyện Văn Quan, Lạng Sơn.

Để cây hồi Văn Quan phát triển bền vững, bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân chú trọng chăm sóc, phát triển cây hồi, các Ban ngành địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại về cây hồi và sản phẩm hồi thông qua các hội chợ, hội thảo, truyền thông. Hướng đến tổ chức lễ hội về cây hồi, sản phẩm hồi; xây dựng thương hiệu, nhãn mác, xây dựng mô hình hồi đạt tiêu chuẩn hữu cơ, những tiêu chuẩn quốc tế họ cần, để thị trường hồi sẽ được rộng mở và ổn định hơn giúp người trồng hồi yên tâm sản xuất.

Chuỗi giá trị Quế: Giai đoạn 2020 – 2023, tổng sản lượng vỏ Quế khô toàn tỉnh năm 2023 đạt 1.000 tấn, tăng 15% so với năm 2018. Giá trị sản phẩm Quế tham gia xuất khẩu của toàn tỉnh tăng 40% so với năm 2018. Giai đoạn 2023 - 2030, sản lượng vỏ Quế khô toàn tỉnh đạt 3.000 tấn/năm, giá trị sản phẩm Quế tham gia xuất khẩu của toàn tỉnh năm 2030 tăng 40% so với năm 2023.

Lạng Sơn: Tập trung phát triển chuỗi giá trị 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực - Ảnh 2.

Cây quế cũng là 1 trong 4 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được quan tâm phát triển theo chuỗi.

Chuỗi giá trị Rau sạch: Giai đoạn 2020 – 2023, diện tích rau của huyện Văn Quan và thành phố Lạng Sơn đạt 1.400 ha (chiếm 17% diện tích toàn tỉnh) với sản lượng tăng 10% so với năm 2019, ước đạt 22.400 tấn (chiếm 21% sản lượng rau toàn tỉnh,) tương đương giá trị ước đạt trên 336 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019. Giai đoạn 2024 - 2030, ổn định diện tích sản xuất rau chuyên canh toàn tỉnh đạt 10.500 ha, trong đó có khoảng 50% diện tích trồng rau công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuỗi giá trị Thạch đen: Giai đoạn 2020 – 2023, diện tích Thạch đen của vùng quy hoạch tại huyện Tràng Định và huyện Bình Gia tăng lên 2.500 ha vào năm 2023; tỷ lệ tăng 30% trong giai đoạn 2020 - 2023. Giai đoạn từ năm 2024 - năm 2030, ổn định diện tích canh tác cây Thạch đen ở mức 2.800 ha; sản lượng ước đạt 17.000 tấn/năm.

Việc triển khai xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh Lạng Sơn theo chuỗi liên kết sản xuất trong thời gian tới hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó xây dựng thương hiệu, nâng cao năng suất và giá trị kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Tuấn Minh
Cùng chuyên mục