Lão nông thoát nghèo nhờ nuôi vịt Cổ Lũng quý hiếm
Ông Chu Văn Sáu quê gốc ở Vĩnh Phúc. Cách đây vài chục năm, do cuộc sống của gia đình quá khó khăn, ông quyết định để vợ con ở lại quê hương, một mình vào khu vực miền núi xứ Thanh tìm cơ hội làm ăn.
Ban đầu, ông vào huyện Quan Hóa, làm đủ nghề, từ chặt luồng thuê, buôn luồng cho đến chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở lò ấp trứng vịt lộn… Khi huyện Bá Thước triển khai dự án khôi phục giống vịt Cổ Lũng, do thiếu máy móc và kinh nghiệm ấp trứng, đã nhờ ông ấp hộ hơn 400 quả trứng vịt đặc sản.
Lứa trứng ấp thành công, ông quyết định mua lại một nửa số vịt con và triển khai chăn nuôi. Nhờ mát tay, có kinh nghiệm chăn nuôi thủy cầm từ trước, nên ngay từ lứa đầu tiên, sản phẩm vịt Cổ Lũng của ông đã nhận được phản hồi rất tốt của khách hàng.
Năm 2015, biết thông tin ông Chu Văn Sáu đang phát triển đàn vịt Cổ Lũng đặc sản, UBND huyện Bá Thước đã tạo điều kiện để ông chuyển địa bàn chăn nuôi từ Quan Hóa về Bá Thước. Đầu năm 2016, ông bắt đầu xây trang trại tại bản Lọng, xã Cổ Lũng; đến khoảng giữa năm thì đi vào hoạt động.
Vịt Cổ Lũng là giống vịt bản địa của khu vực Quốc Thành ( gồm 5 xã: Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Sơn, Thành Lâm), huyện Bá Thước. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, giống vịt quý này dần bị lai tạp với những loài vịt khác. Vì vậy, để tìm kiếm được giống thuần chủng, ông Sáu phải đi vào từng nhà dân, tìm những con vịt Cổ Lũng mang đặc trưng của giống vịt bản địa, rồi cho phối giống để tạo đàn. Cứ thế, quy mô đàn vịt của ông được mở rộng dần, từ vài chục lên vài trăm con.
Nhu cầu của khách hàng trong và ngoài huyện ngày càng đông, số vịt thương phẩm của ông Sáu không đủ để cung cấp. Vì vậy, ông quyết định mở rộng kinh doanh bằng hình thức liên kết sản xuất. Thông qua hội nông dân xã Cổ Lũng, ông đã cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong xã. Với hình thức này, đàn vịt trong dân của ông lên tới hàng chục ngàn con.
Trông bề ngoài, vịt Cổ Lũng có hình dáng gần giống như vịt bầu dưới xuôi. Tuy nhiên, nếu nhìn thật kỹ, sẽ thấy giống vịt này có khá nhiều điểm đặc trưng: Cổ rụt; chân nhỏ, ngắn; cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt… Kích thước của vịt Cổ Lũng chỉ ở mức trung bình, thậm chí khá nhỏ so với các loại vịt khác. Khi được 3-4 tháng tuổi, vịt đạt trọng lượng trên 1,5kg. Ngoài 6 tháng tuổi, cân nặng của vịt trên dưới 2 kg.
Nói về độ thơm ngon của vịt Cổ Lũng, ông Sáu cho biết, không phải ngẫu nhiên loài vật này lại trở thành một thứ đặc sản ẩm thực trứ danh. Vịt Cổ Lũng vốn được thả nuôi tự nhiên từ những khe suối sạch, có chứa nhiều canxi, trong điều kiện khí hậu mát mẻ của vùng núi cao. Vì vậy, thịt của chúng rất chắc, vị thanh và ngọt. Để đạt chất lượng thịt cao nhất, vịt Cổ Lũng phải được nuôi trên 6 tháng.
Hiện tại, ông Chu Văn Sáu đã giảm bớt nuôi vịt thương phẩm để tập trung phát triển nguồn giống. Ông duy trì đàn vịt sinh sản khoảng 300 con và đầu tư 2 lò ấp trứng, mỗi năm xuất bán hàng chục ngàn con giống thuần chủng cho các hộ chăn nuôi.
Từ mô hình chăn nuôi thành công của ông, hiện nay, xã Cổ Lũng đã có 300 hộ dân tham gia nuôi vịt, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 con vịt thương phẩm. Với loại vịt được nuôi trên 6 tháng, giá xuất bán tại gốc lên tới 90.000- 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi, gấp ba so với các loại vịt khác.
Nhờ nguồn thu nhập từ vịt Cổ Lũng, đời sống kinh tế của gia đình ông Chu Văn Sáu cũng như người dân xã Cổ Lũng đã bớt khó khăn. Bản thân ông Sáu không những thoát nghèo, mà còn trở nên khấm khá. Nếu được định hướng xây dựng thương hiệu đúng đắn, vịt Cổ Lũng hoàn toàn có thể trở thành một thương hiệu nông sản đầy tiềm năng, góp phần tích cực làm thay đổi cuộc sống cho người dân tại các huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa.