Liên quan sai phạm đấu thầu thuốc ở Quảng Ngãi: Dược Codupha (CDP) làm ăn ra sao?
Như Etime đã đưa tin, mới đây Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ngãi vừa ký kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đấu thầu thuốc chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư y tế tại Sở Y tế tỉnh này từ năm 2014 đến tháng 9/2019.
Qua kiểm tra các gói thầu do Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu thầu theo kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2014 và 2015, phát hiện 6 mặt hàng có giá thuốc xét duyệt trúng thầu vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công bố còn hiệu lực.
Nghiêm trọng hơn, trong quá trình đấu thầu, tổ chấm thầu chưa xem xét rõ bản chất của 2 sản phẩm dự thầu là A.T Calmax 500 và Fulcalmax có sự tương đồng về hoạt chất, và cho rằng sản phẩm A.T Calmax 500 có hoạt chất không đáp ứng hồ sơ mời thầu là sai, dẫn đến chấm sai thầu, lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp, làm tăng giá trị trúng thầu.
Ngoài ra, Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên là nhà sản xuất thuốc A.T Calmax nhưng không đưa thuốc này đi đấu thầu, mà liên danh với Công ty cổ phần thương mại dược phẩm Nhật Lệ dự thầu sản phẩm Fulcalmax với giá cao. Trong khi đó, Công ty cổ phần dược phẩm trung ương Codupha (Công ty Codupha) dùng thuốc A.T Calmax tham gia dự thầu với giá thấp hơn. Việc này diễn ra trong cùng một gói thầu là có xung đột, mâu thuẫn về lợi ích.
Theo tìm hiểu, Công ty CP dược phẩm Trung ương Codupha (Codupha, UPCoM: CDP) tiền thân là Tổng kho y dược phẩm, thành lập năm 1975 với chức năng phân phối thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất và các thiết bị y tế cho khu vực miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào). Năm 1985, công ty đổi tên thành Công ty dược phẩm Trung ương 2, tên giao dịch là Codupha.
Codupha là một trong số 6 công ty dược được Nhà nước giao đảm trách Chương trình dự trữ và lưu thông thuốc quốc gia, các thuốc cần kiểm soát đặc biệt.
Codupha có vốn điều lệ 182,7 tỷ, cổ đông Nhà nước chiếm 66,35% là Tổng công ty Dược Việt Nam Vinapharm (UPCoM: DVN), cổ đông chiến lược nắm 23,1% là Công ty CP Dược phẩm Bến Tre hiện đã giảm sở hữu xuống còn 14,8%.
Codupha (CDP) làm ăn ra sao?
Xét về tình hình kinh doanh, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, doanh thu Codupha đạt 529,9 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận gộp kỳ này tăng 22% lên 42,7 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 5,7 tỷ, tăng 42,5% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng đạt 26,8 tỷ đồng, tăng 24,6%, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 8,2 tỷ đồng, biến động nhẹ so với cùng kỳ.
Kết thúc quý I/2022, Codupha báo lãi tăng đột biến lên hơn 4 tỷ đồng, tăng 430% so với cùng kỳ (gấp 5,3 lần).
Theo giải trình của công ty, doanh thu thuần tăng là do hoạt động kinh quanh trong kỳ từng bước trở lại bình thường như trước dịch bệnh Covid-19, tốc độ bán hàng tăng, doanh thu tăng chủ yếu ở nhóm khách hàng bệnh viện và công ty dược. Công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế trong quý I đã có kết quả trúng thầu ở các bệnh viện tuyến tỉnh và TP.HCM cũng góp phần tăng thêm doanh thu bán hàng.
Về lợi nhuận sau thuế tăng vọt, Codupha giải trình do lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 373% dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng so với cùng kỳ 2021.
Tình hình kinh doanh của Codupha những năm gần đây kém tươi sáng. Năm 2021, CDP đạt doanh thu 2.484 tỷ đồng, giảm 16,5% so với năm 2020, lợi nhuận trước thuế 22,6 tỷ, giảm 21,2% so với năm ngoái. ĐHCĐ thường niên họp vào 17/5/2021 đã thông qua kế hoạch năm nay của CDP là doanh thu 3.100 tỷ, lợi nhuận trước thuế 28 tỷ và mức cổ tức 9%. Như vậy, năm 2021, CDP chỉ hoàn thành 80,1% kế hoạch doanh thu và 80,7% kế hoạch lợi nhuận mà ĐHCĐ đã đề ra.
Trước đó, năm 2020, CDP cũng đặt kế hoạch doanh thu thuần 3.100 tỷ; lãi sau thuế 22 tỷ đồng nhưng chỉ đạt lần lượt 2.978 tỷ đồng và gần 19 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 95% kế hoạch doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận.
Như vậy, liên tiếp 2 năm CDP không đạt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Đặc biệt, từ 2017 đến nay, doanh thu của CDP liên tục đi lùi. Năm 2017 đạt 3.689 tỷ đồng; 2018 giảm xuống 3.131 tỷ đồng; 2019 đạt 3.022 tỷ đồng; 2020 đạt 2.978 tỷ đồng và 2021 xuống 2.484 tỷ đồng.
Codupha hiện nắm trong tay khá nhiều lô đất đắc địa: trụ sở chính tại 334 Tô Hiến Thành, P. 14, Quận 10 có diện tích đất 58.912 m2 hiện bàn giao lại cho UBND Quận 10 và CTCP Phát triển đô thị Đông Dương (Codupha nắm 5,86% và 1.500m2), Codupha cũng quản lý và sử dụng một số lô đất để làm kho chứa hàng và trụ sở chi nhánh như: lô H5H9 đường số 1 KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM có diện tích 18.480 m2; lô đất 132 Nguyễn Văn Cừ, Q.Ninh Kiều, Cần Thơ diện tích 4.195 m2; lô đất 74/20 Nguyễn Khuyến, P.Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột diện tích 1.938 m2; lô đất 142 Lê Lai, P. Máy Chai, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng diện tích 2.613 m2; lô đất 120 Lý Thái Tông, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng, lô đất Đường số 2 KCN Hòa Khánh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng diện tích 1.012 m2, lô đất xóm 4, xã Nghi Kim, TP.Vinh, Nghệ An.