Lo mối đe dọa từ Trung Quốc: Mỹ xây dựng chiến lược an ninh kinh tế

14/11/2019 14:03 GMT+7
Các Thượng nghị sĩ Mỹ mới đây đã đưa ra một dự thảo luật yêu cầu Chính phủ thường xuyên phác thảo các chiến lược an ninh kinh tế trong nỗ lực phản ứng lại mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc.
Mỹ xây dựng chiến lược an ninh kinh tế đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Mỹ từ lâu đã xem kinh tế Trung Quốc là một mối đe dọa cạnh tranh

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các chính trị gia Mỹ dẫn đầu bởi Tổng thống Donald Trump đang cố gắng tăng cường áp lực lên Trung Quốc nhằm đạt đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Bắc Kinh.

Theo đề xuất của các thượng nghị sĩ Mỹ, một dự thảo Đạo Luật Chiến lược An ninh Kinh tế Toàn cầu sẽ được đệ trình lên Chính phủ với nội dung yêu cầu Tổng thống thường xuyên xem xét khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ trước các mối đe dọa an ninh kinh tế như Trung Quốc, từ đó phác thảo cách phản ứng và đối phó. 

Dự luật được dẫn đầu bởi nhóm thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio và Todd Young cùng thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jeff Merkley và Chris Coons. Bên cạnh các điều luật thúc đẩy mối quan hệ kinh tế tự do, cạnh tranh và công bằng; các thượng nghị sĩ con tập trung vào Trung Quốc như một mối đe dọa cạnh tranh với Mỹ. 

“Lần đầu tiên sau gần 3 thập kỷ, Mỹ phải đối đầu với một đối thủ cạnh tranh Trung Quốc trên gần như mọi mặt trận” - thượng nghị sĩ Marco Rubio nhấn mạnh. “Chúng ta phải đấu tranh với Trung Quốc và các hoạt động kinh tế “hủy diệt” của Trung Quốc bằng cách hợp tác với các đồng minh và đối tác thương mại toàn cầu”.

Nói về mối đe dọa của Trung Quốc với nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ, Thượng nghị sĩ Josh Hawley hôm 12/11 khẳng định: “Trung Quốc đang xây dựng lập trường chính trị và kinh tế trên lưng người lao động Mỹ”. Qua nhận định này, ông Hawley cáo buộc Trung Quốc tàn phá và hưởng lợi từ hoạt động sản xuất của Mỹ. 

Hồi tháng 4/2018, các thượng nghị sĩ Mỹ từng giới thiệu một đạo luật tương tự mang tên Chiến lược An Ninh Kinh tế Quốc gia, dù rằng nội dung chiến lược không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc. Giờ đây, đạo luật Chiến lược An ninh Kinh tế Toàn cầu được ví như một phiên bản cụ thể hóa có sức mạnh ngang hàng Chiến lược An ninh Quốc gia NSS dù nó tập trung đến khía cạnh an ninh kinh tế hơn là an ninh quốc phòng. Cũng giống như NSS, dự luật vừa đề xuất sẽ được xem xét ban hành bởi các vị Tổng thống ngay sau khi nhậm chức. Hồi tháng 12/2017, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ban hành Chiến lược An Ninh Quốc gia NSS với nội dung đề cập đến Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh chiến lược, có xu hướng đối nghịch với các hệ thống giá trị và lợi ích của Mỹ. 

Còn nhớ trong một bài phát biểu hồi tháng trước về chính sách với Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng tuyên bố Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu và cũng không có động cơ loại bỏ các đối thủ kinh tế của mình. Tuy nhiên, vị Phó Tổng thống nhấn mạnh thực tế rằng các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ không còn thấy nhiều sự hấp dẫn từ thị trường Trung Quốc do hàng loạt chính sách thương mại không lành mạnh từ chính quyền Tập Cận Bình.

Trong một thời gian dài, các chính trị gia Mỹ đã không ngừng chỉ trích Trung Quốc như một quốc gia gian lận thương mại gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp Mỹ. Cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang nỗ lực đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng kéo dài hơn một năm nay. Tuy nhiên theo Tổng thống Donald Trump, thỏa thuận chỉ có thể ký kết khi nó mang đến lợi ích cho nước Mỹ. Ở phía ngược lại, Bắc Kinh thúc giục Mỹ dỡ bỏ thêm rào cản thuế quan như một phần trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tuy nhiên ông Trump đã phủ định khả năng này.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục