Nước Mỹ của ông Trump có thực sự chiến thắng trong thương chiến Mỹ Trung?
Xét trên quan điểm chính trị, Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có thể tự hào về một chiến thắng trong tầm tay, bởi nền kinh tế Trung Quốc đã tổn thất nặng nề hơn nhiều so với Mỹ. Trong khi các dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn ổn định và cho thấy sự tăng trưởng thì kinh tế Trung Quốc lại tụt dốc, lao đao. Tăng trưởng GDP Trung Quốc quý III/2019 chỉ đạt 6%, mức thấp nhất trong hơn 27 năm qua.
So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc của Mỹ đã giảm mạnh 53 tỷ USD trong 3 quý đầu năm. Còn kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ giảm 14,5 tỷ USD. Dù cùng chứng kiến thiệt hại nhưng tổn thương gây ra cho phía Mỹ rõ ràng nhỏ hơn, khi mà kim ngạch xuất khẩu của Mỹ chỉ bằng khoảng 1/3 Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bức tranh thương mại hiện nay, nhiều ngành công nghiệp Mỹ cũng đang lao đao không kém. Những khoản lỗ hàng chục tỷ USD mà cả hai nước phải gánh chịu hiện nay chính là lý do tại sao Bắc Kinh và Washington vội vàng thúc đẩy thảo luận thương mại trong vài tuần gần đây.
So với 9 tháng đầu năm 2017 trước khi thương chiến Mỹ Trung khơi mào, kim ngạch xuất khẩu khoáng sản và quặng từ Mỹ sang Trung Quốc năm 2019 đã giảm tới 65%. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản giảm 39%, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi giảm 35%.
Đáng chú ý hơn, xuất khẩu nông sản của Mỹ thiệt hại tới 2 tỷ USD, gây ra những tổn thương nặng nề cho nông dân Mỹ. Đó là lý do tại sao Tổng thống Trump lâu nay luôn tìm cách ép Trung Quốc ký vào một thỏa thuận có nội dung cam kết tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ. Theo ông Trump, các điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ bao gồm cả việc Trung Quốc nhập khẩu 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ.
Thực chất, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra việc buộc Trung Quốc cam kết nhập khẩu nông sản ẩn chứa động cơ chính trị của ông Trump trên con đường tái tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2020-2024. Nhưng rõ ràng, đây là một điều khoản đặc biệt có lợi cho người nông dân Mỹ nói riêng và kinh tế Mỹ nói chung. Dù cho thị trường vẫn đang nghi ngờ về khả năng Trung Quốc ký vào một thỏa thuận như vậy, nhưng Mỹ hiện đang thúc đẩy các cuộc thảo luận thương mại tìm kiếm địa điểm ký kết thỏa thuận với chính quyền Tập Cận Bình.
Một tín hiệu tốt lành mà các nhà phân tích CNBC chỉ ra là một số ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của thương chiến Mỹ Trung có thể sẽ phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh quan hệ thương mại diễn biến tích cực. Một số ngành khác đã tìm thấy những thị trường mới đầy tiềm năng thay thế cho Trung Quốc sau hơn một năm trời lao đao vì thương chiến.
Nhưng tín hiệu xấu ở đây là nguy cơ các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng đã tìm thấy nguồn cung mới, điều sẽ gây ra thiệt hại nặng nề trong dài hạn cho các nhà xuất khẩu Mỹ.