Lo ngại nguồn hàng dư thừa chuyển hướng vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác

28/10/2020 10:46 GMT+7
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra khiến chúng ta có nhiều lí do để lo ngại. Bởi lẽ, những nguồn hàng bị dư thừa, chuyển hướng sẽ vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác...
Lo ngại nguồn hàng dư thừa chuyển hướng vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác - Ảnh 1.

Những năm gần đây, số vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng. Tính đến nay Việt Nam đã phải đối mặt với gần 200 vụ kiện liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại từ nhiều quốc gia, riêng năm 2020 số vụ việc gấp đôi năm 2019.

Nếu như trước đây thép, thủy sản, giày da là những ngành của Việt Nam bị các nước Mỹ, Úc, EU và một số quốc gia Nam Mỹ áp chống bán phá giá nhiều nhất thì trong 5 năm gần đây đã có sự thay đổi đáng kể. Các nước thực hiện việc điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ thường xuyên đối với hàng hóa Việt Nam lại là các nước có các hiệp định FTA với Việt Nam, đặc biệt là sự xuất của nhiều nước thuộc khối ASEAN cũng như các nước Đông Bắc Á đối với đa dạng các mặt hàng hơn như các mặt hàng tiêu dùng, các kim loại nhôm, đồng…

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho hay, trong bối cảnh hiện nay, phòng vệ thương mại chính là "phao cứu trợ" doanh nghiệp đi ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, các nền kinh tế hội nhập, tự do nhất cũng là nước có nền kinh tế sử dụng phòng vệ thương mại nhiều nhất.

Đơn cử, phòng vệ thương mại đã ra đời tại Mỹ từ 100 năm trước và đã trở thành yếu tố bắt buộc trong môi trường kinh doanh thương mại quốc tế, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp ngay tại thị trường nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng nhập khẩu.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng hiện đã có 13 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, gần đây nhất là FTA với EU (EVFTA). Cùng với đó, Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA. Điều này giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, mặt trái của hội nhập chính là xuất hiện hiện tượng nhập khẩu ồ ạt gây cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích trong lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước.

Lo ngại nguồn hàng dư thừa chuyển hướng vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác - Ảnh 2.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nghĩ đến việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ chính mình. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện đang điều tra 20 vụ án phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất khác nhau. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng góp phần bảo vệ các ngành, trong đó chiếm gần 6% tổng GDP năm 2019, bảo vệ việc làm cho khoảng 150 nghìn việc làm, phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản để đóng góp vào sự phát triển nói chung.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang điều tra, xem xét áp dụng phòng vệ thương mại đối với một số ngành hàng ảnh hưởng đến 1,5 triệu việc làm và đời sống nông dân của hàng chục vạn nông dân như đường mía nhập khẩu.

Đánh giá về những khó khăn đặt ra đối với nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI nhận định: Khảo sát từ cộng đồng DN cho thấy, các ngành hàng của Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và coi đây là cơ hội tốt để nâng cao năng lực.

"Tuy nhiên, đây phải là một cuộc chơi công bằng. Vì vậy, rủi ro lớn nhất đó chính là hàng hóa từ nước ngoài vào cạnh tranh không lành mạnh bằng nhiều hình thức như bán phá giá, được trợ cấp…" – bà Trang nói.

Đặc biệt, theo bà Trang, trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra khiến chúng ta có nhiều lí do để lo ngại. Bởi lẽ, những nguồn hàng bị dư thừa, chuyển hướng sẽ vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Từ đó nhu cầu sử dụng PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước càng cần thiết.

Trước tình trạng gia tăng phòng vệ thương mại từ nhiều thị trường, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện;  cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp; tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra.

Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực. Trong đó, đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc; đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực

Trong thời gian tới, vấn đề phòng vệ thương mại vẫn được đánh giá sẽ ngày càng phức tạp hơn. Để bảo vệ ngành hàng trong nước, bên cạnh nỗ lực của cơ quan nhà nước, thì vai trò của chính các doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần xem phòng vệ thương mại là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của mình. Cần tìm hiểu, nhận biết rõ về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt, vai trò của các hiệp hội các ngành hàng cũng cần được đẩy mạnh nâng cao, bởi việc thực hiện các giải pháp phòng vệ thương mại được xem là cuộc chiến tập thể cần sự đoàn kết không chỉ của một vài doanh nghiệp. 

Minh Lê
Cùng chuyên mục