Bộ Công thương sẽ mạnh tay xử lý những trường hợp lợi dụng Việt Nam làm bên trung gian để xuất khẩu

27/10/2020 16:38 GMT+7
Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho hay, Bộ vừa đưa ra dự thảo "Made in Việt Nam" để kiểm soát những mặt hàng đủ tiêu chuẩn dán nhãn Việt Nam. Hy vọng có thể mạnh tay hơn trong việc xử lý những trường hợp lợi dụng Việt Nam làm bên trung gian để xuất khẩu.
Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần sức mạnh tập thể - Ảnh 1.

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương

Bà đánh giá thế nào về thực trạng ngày càng nhiều các ngành hàng của Việt Nam bị nước ngoài sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại?

Gần đây các nước đang tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt nam. Điển hình là số vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại đối với nước ta trong năm 2020 đã gấp đôi năm 2019. Ở chiều ngược lại, mặc dù các doanh nghiệp nội địa đã được tuyên truyền phổ biến rất nhiều về việc chuẩn bị tư thế cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài khi các FTA có hiệu lực nhưng vẫn nhiều doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh đã khiến nhiều ngành hàng trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đã có những đề nghị từ doanh nghiệp đến Bộ Công thương yêu cầu điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu.

Hiện theo chỉ đạo của Bộ Công thương, chúng ta chỉ đang áp dụng những biện pháp kĩ thuật đã được WTO thừa nhận để làm công cụ hợp pháp bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, cụ thể là biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.  WTO cho rằng, về bản chất đây là những biện pháp cạnh tranh không công bằng khi mà các nước bán hàng hóa vào Việt Nam với giá thấp hơn so với giá bán trên thị trường nội địa hoặc Chính phủ các nước trợ cấp giá cho hàng hóa để xuất khẩu Việt Nam.

Trong những trường hợp này, khi các ngành sản xuất trong nước lập được bộ hồ sơ có chứng minh ban đầu về việc các mặt hàng của các nước bán phá giá hay nhận được trợ cấp khi xuất khẩu vào Việt Nam và gây nên thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Việt Nam thì Bộ Công thương luôn sẵn lòng điều tra để có các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, bảo vệ sản xuất trong nước, khôi phục công ăn việc làm cho người lao động. Đây là những biện pháp mà tất cả các thành viên WTO, các nước tham gia FTA đều được áp dụng.

Nếu như trước đây thép, thủy sản, giày da là những ngành của Việt Nam bị các nước Mỹ, Úc, EU và một số quốc gia Nam Mỹ áp chống bán phá giá nhiều nhất thì trong 5 năm gần đây đã có sự thay đổi đáng kể. Các nước thực hiện việc điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ thường xuyên đối với hàng hóa Việt Nam lại là các nước có các hiệp định FTA với Việt Nam, đăc biệt là sự xuất của nhiều nước thuộc ASEAN cũng như các nước Đông Bắc Á đối với đa dạng các mặt hàng hơn như các mặt hàng tiêu dùng, các kim loại nhôm, đồng…

Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần sức mạnh tập thể - Ảnh 2.

Hiện đang có nhiều nước nghi ngờ Việt Nam trở thành điểm trung gian của các nước đang bị áp thuế chống bán phá giá từ một nước thứ 3 để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Với vấn đề này, Bộ Công thương đã có những giải pháp gì, thưa bà? 

Về vấn đề này thời gian qua Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội liên quan đưa ra các biện pháp xử lý. Trên cơ sở đó Bộ đã trình Chính phủ ban hành đề án 824 và Nghị quyết 119 về việc tăng cường công tác kiểm tra chống các biện pháp lẩn tránh thuế, phòng vệ thương mại thông qua gian lận xuất xứ.

Mới đây Bộ Công thương cũng vừa đưa ra dự thảo "Made in Việt Nam" để thông qua đó tăng cường kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng đủ tiêu chuẩn để có thể được dán nhãn là hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu. Hy vọng trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ mạnh tay hơn trong việc xử lý những trường hợp lợi dụng Việt Nam làm bên trung gian để xuất khẩu đi nước ngoài.

Mới đây vụ việc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú bị Cơ quan Hải quan và Biên giới Mỹ (CBP) khởi xướng điều tra lẫn tránh thuế đối với mặt hàng tôm. Với những vụ việc như thế này, Bộ Công thương đã có những động thái gì, thưa bà?

Ngay khi CBP khởi xướng điều tra, Bộ Công thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Tập đoàn Thủy sản Minh Phú để làm rõ tình hình, đồng thời yêu cầu công ty phối hợp, cung cấp thông tin tối đa cho phía Mỹ.

Phía Hoa Kỳ kết luận Tập đoàn Minh Phú bị coi là lẩn tránh thuế do không cung cấp được những thông tin theo đúng yêu cầu của Hoa Kỳ. Trên thực tế, mỗi vụ việc Hoa Kỳ sẽ đưa ra các yêu cầu cung cấp thông tin khác nhau và quan trọng là doanh nghiệp được yêu cầu phải cung cấp được đầy đủ thông tin cho họ. Ở Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đang có nhiều hạn chế trong việc xây dựng hệ thống thông tin liên quan đến sản phẩm của mình do vậy khi đối tác yêu cầu thì không cung cấp được thông tin.

Hiện Bộ Công thương cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề này và Bộ Nông nghiệp cũng đang cùng với các doanh nghiệp xây dựng các hệ thống truy xuất thông tin tốt nhất để có thể cung cấp tối đa thông tin cho các đối tác, không chỉ riêng Hoa Kỳ khi cần thiết.

Mặt khác Bộ cũng đang theo dõi kết luận của CBP, phối hợp với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, VASEP, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để tiếp tục có những trao đổi với phía Hoa Kỳ nhằm đảm bảo lợi ích của ngành nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong thuận lợi cũng có đầy nguy cơ, Bộ Công thương có khuyến cáo như nào đối với ngành hàng nội địa, thưa bà?

Trong bối cảnh hội nhập thì không còn rào cản về thuế nhập khẩu nữa. Hàng nhập khẩu vào Việt Nam rất nhiều, họ được hưởng những lợi thế. Ở chiều ngược lại, hàng Việt Nam xuất khẩu cũng sẽ có được những lợi thế nhưng bên cạnh đó sẽ gặp phải những rào cản phòng vệ thương mại từ các nước.

Tại Việt Nam, chúng ta đã nội luật hóa các quy định của WTO thành pháp luật về phòng vệ thương mại. Trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành những Nghị định, Thông tư liên quan đến phòng vệ thương mại. Đối với Bộ Công thương, chúng tôi khuyến nghị các ngành sản xuất trong nước theo dõi sát thị trường, số liệu xuất nhập khẩu cũng như giá bán mặt hàng nhập khẩu trên thị trường Việt Nam đồng thời phải tìm hiểu giá bán của các sản phẩm đó trên thị trường nội địa của họ. 

Nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm thông tin liên quan đến thị trường nước nhập khẩu thì có thể liên hệ với Bộ Công thương, Bộ có thể kết nối với các đại sứ quán, các thương vụ ở nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước trong việc tìm hiểu những thông tin ban đầu về việc giá bán của các sản phẩm đó tại thị trường nội địa hay chính phủ nước đó có hỗ trợ giá hay không… Sau khi có được những thông tin ban đầu các doanh nghiệp và các hiệp hội cần đoàn kết, thống nhất cùng nhau xây dựng được bộ hồ sơ đầy đủ nhất nộp cho Bộ Công thương.

Thực tế, so với thuế nhập khẩu thông thường để áp dụng được một biện pháp phòng vệ thương mại thì đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe hơn. Làm thế nào để chứng minh được hàng nước ngoài bán phá giá, làm thế nào để chứng minh được ngành sản xuất trong nước đang bị thiệt hại, làm thế nào để có được một hồ sơ thuyết phục có thể đại diện cho một ngành sản xuất trong nước chứ không phải một hai doanh nghiệp trong ngành mà một điều không hề đơn giản đòi hỏi sự nỗ lực cả từ phía cơ quan quản lý cũng như phía doanh nghiệp.

Xin cảm ơn bà!

Minh Lê
Cùng chuyên mục