Lo vỡ nợ 2,5 tỷ USD vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp điện tái tạo "kêu cứu"

15/03/2023 07:45 GMT+7
Lo vỡ nợ khoảng 58.000 tỷ đồng, tương 2,5 tỷ USD vốn vay từ ngân hàng, hàng loạt doanh nghiệp điện tái tạo gửi thư kêu cứu lên Thủ tướng.

Lo vỡ số vốn khủng vì chính sách giá điện

Mới đây, 36 nhà đầu tư cùng Hiệp hội điện gió và điện mặt trời Bình Thuận đã ký văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong xây dựng cơ chế giá điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do Bộ Công Thương ban hành.

Theo các nhà đầu tư, họ đã phải chờ đợi hơn 26 tháng đối với các dự án điện mặt trời và 16 tháng đối với dự án điện gió để có cơ chế giá mới.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng và thời gian đợi của doanh nghiệp, Bộ Công Thương ra liên tiếp các Quyết định 21/QĐ-BCT tháng 10/2022 và Thông tư 01/2023 tháng 1/2023 đã khiến nhà đầu tư vô cùng lo lắng và quan ngại sâu sắc do các điểm bất cập về pháp lý cũng như hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư, làm cho họ có thể lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản.

Lo vỡ nợ 2,5 tỷ USD vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp điện tái tạo "kêu cứu" - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời đồng loạt kêu cứu lên Thủ tướng về chính sách phát triển điện tái tạo

Trong đơn kiến nghị, các nhà đầu tư bày tỏ, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng với tổng số vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó 70% (trên 58.000 tỷ đồng) được vay từ ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng không thể thu hồi vốn.

Đơn kiến nghị của doanh nghiệp phân tích, về lâu dài, cơ chế giá điện mặt trời, điện gió không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án năng lượng, dẫn tới không đảm bảo an ninh năng lượng, không thực hiện được các chính sách và cam kết về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ.

Các nhà đầu tư cho rằng, quá trình Bộ Công thương ban hành Quyết định 21 dường như quá vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng. Cụ thể, Bộ Công thương giao cho Tập đoàn điện lực Việt Nam/Công ty mua bán điện (EVN/EPTC) làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, cơ chế giá phát điện cho dự án điện mặt trời áp dụng từ 1.10.2021 và dự án điện gió áp dụng từ 1/11/2021 chưa được Bộ Công Thương đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định theo quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (Quyết định 13 và Quyết định số 39/2018/QĐ-TT ngày 10/9/ 2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió - Quyết định 39).

Cụ thể, đối với cơ chế giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp, Bộ Công thương có nghĩa vụ "nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", theo Quyết định 13 và "đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định", theo quyết Định 39. Nhưng qua rà soát lại các căn cứ ban hành Quyết dịnh 21, các nhà đầu tư cho rằng, không có tham chiếu nào đề cập tới văn bản chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. 

Theo đó, các nhà đầu tư cho rằng, có thể hiểu rằng Bộ Công thương tiến hành dự thảo Quyết định 21 đã không tham vấn hoặc chưa có sự chấp thuận, phê duyệt về mặt nguyên tắc từ Thủ tướng Chính phủ, theo chỉ đạo tại Quyết định 13 và Quyết định 39.

Cũng theo các nhà đầu tư, Quyết định 21 có nội dung chưa tuân thủ Thông tư 15 nói riêng và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan nói chung. Cụ thể, phương pháp tính toán của EVN có nhiều điểm chưa phù hợp, hậu quả là kết quả tính toán giá phát điện đề xuất của EVN không bảo đảm được nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế (IRR) đạt 12% cho nhà đầu tư tại Thông tư 15. Giá phát điện của các dự án điện gió và thực tế giá bán lẻ điện bình quân của EVN gần đây đã tăng lên.

Các nhà đầu tư cho rằng, vấn đề về thủ tục và nội dung nêu trên đã dẫn tới một khung giá điện bất hợp lý và sẽ dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp khi áp dụng, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và tính ổn định của chính sách.

Bên cạnh đó, họ nêu vấn đề cùng với một khung giá điện bất hợp lý của Quyết định 21, việc xóa bỏ các chính sách khuyến khích theo Thông tư 01 sẽ làm thay đổi mô hình tài chính, làm mất khả năng tiếp cận vốn vay và quản lý rủi ro của dự án. Các doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ thất bại về tài chính, phá sản và làm các nhà đầu tư tiềm năng không dám mạo hiểm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, qua đó dẫn đến các hệ lụy liên quan tới nền kinh tế, xếp hạng tín dụng và uy tín quốc gia.

Cuối cùng, do mức khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp tại Quyết định 21 được ban hành chưa phù hợp với Thông tư 15 và các văn bản có liên quan, nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và ban hành mức khung giá phát điện mới phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục về đề xuất và ban hành khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp; thực hiện việc thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá phát điện và tuân thủ các yêu cầu về tham vấn với hội đồng tư vấn và Bộ Tài chính nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch.

An Linh
Cùng chuyên mục