Loạt DN nhà nước Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu khiến thị trường đầu tư chao đảo
Hồi tuần trước, công ty khai thác năng lượng quốc doanh Yongcheng Coal and Power chính thức báo cáo vỡ nợ trái phiếu 1 tỷ NDT (151,9 triệu USD). Chính phủ Trung Quốc sau đó đã mở cuộc điều tra cấp quốc gia về ba ngân hàng bảo lãnh cho khoản nợ trái phiếu nói trên do nghi ngờ gian lận.
Trong tuần, Trung Quốc cũng ghi nhận nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu khác bao gồm đợt lỡ thanh toán của nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup do chính phủ hậu thuẫn và Tập đoàn ô tô Huachen (đối tác liên doanh của BMW tại Trung Quốc). Tháng trước, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc là China Evergrande cũng trở thành tâm điểm chú ý của thị trường do nghi vấn có rủi ro nguồn tiền.
Trong khi nhiều doanh nghiệp quốc doanh khác đứng trước bờ vực vỡ nợ trái phiếu tương tự, các nhà quan sát đang tranh luận xem tại sao ngày càng nhiều công ty nhà nước - vốn là lựa chọn an toàn của nhà đầu tư - bị chính phủ “bỏ rơi”.
“Vụ vỡ nợ trái phiếu của Yongcheng khiến nhà đầu tư ngày càng lo ngại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung. Nó phá vỡ sự an tâm của thị trường lâu nay rằng chính phủ có sự “bảo lãnh ngầm” với trái phiếu doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước” - nhận định của nhà kinh tế học Zhaopeng Xing từ ANZ Research. Theo ANZ, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu lần đầu của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện ở mức 1%, vẫn thấp hơn nhiều mức 9% của các doanh nghiệp tư nhân nhưng đang có xu hướng ngày một tăng lên.
Thị trường trái phiếu Trung Quốc có tổng giá trị ước tính 13 nghìn tỷ USD, lớn thứ hai thế giới. Thị trường này thu hút rất nhiều nhà quản lý tài sản, nhà đầu tư đổ tiền vào do lợi suất trái phiếu hấp dẫn hơn rất nhiều lợi suất tại Mỹ và Châu Âu. Theo dữ liệu của Refinitiv, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào trái phiếu Trung Quốc trong nước thông qua các quỹ tài sản đã tăng vọt lên mức cao nhất trong năm là 21,43 tỷ USD hồi tháng 3 năm nay.
Trước đó, rất hiếm khi các công ty nhà nước Trung Quốc vỡ nợ. Vụ vỡ nợ trái phiếu đồng USD của Tewoo Group hồi tháng 12/2019 là trường hợp doanh nghiệp quốc doanh đầu tiên vỡ nợ trong 2 thập kỷ gần nhất. Nhưng kể từ đầu năm nay, ngày càng nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước xảy ra.
Các nhà quan sát chỉ ra có một số nguyên nhân khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu như sau:
Kinh tế phục hồi sau đại dịch
S&P Global Ratings nhận định chính phủ Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận các vụ vỡ nợ với kỳ vọng giảm nợ trong nền kinh tế trong bối cảnh đất nước bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Chang Li, chuyên gia về Trung Quốc tại S&P Global Ratings cho hay: “Ngày càng nhiều vụ vỡ nợ xảy ra khi các nhà chức trách tập trung vào chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước sau thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch”.
Bắc Kinh đã có xu hướng siết chặt mức nợ khi nợ trong nước phình to, nhưng xu hướng này bị tạm dừng khi đại dịch Covid-19 tấn công các doanh nghiệp. Thời điểm đó, các nhà chức trách đã khuyến khích ngân hàng thương mại cho vay nhiều hơn với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giờ đây, khi giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch qua đi, mức nợ tăng vọt khiến các nhà chức trách một lần nữa phải bắt tay vào việc giảm nợ.
S&P Global Ratings phân tích rằng trong trường hợp vỡ nợ của Yongcheng Coal and Electric, công ty đã bỏ lỡ khoản thanh toán trái phiếu đến hạn hôm 10/11. Điều này có nguy cơ dẫn đến khoản vỡ nợ lên tới 50 tỷ NDT (7,6 tỷ USD) của công ty mẹ Henan Energy and Chemical Industry. S&P Global Ratings chỉ ra rằng dường như có sự đột ngột trong quyết định ngừng hỗ trợ của chính phủ Bắc Kinh trong vụ vỡ nợ của Yongcheng. Chỉ một tháng trước khi vỡ nợ, Yongcheng vừa phát hành trái phiếu trung hạn với trị giá lên tới 1 tỷ NDT, một động thái được coi là dấu hiệu của sự hỗ trợ từ chính phủ. Nhưng chỉ một tháng sau đó, “thái độ” của chính quyền địa phương đã đảo ngược hoàn toàn.
“Thị trường có thể xem đây như tín hiệu cho thấy việc cải cách doanh nghiệp quốc doanh sẽ được tiến hành mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch” - nhận định của nhà phân tích Chang Li.
Đại dịch làm căng thẳng nguồn tài chính
Đại dịch Covid-19 đã gây áp lực lên các nguồn lực tài chính công khi chính phủ phải tung ra hàng loạt kích thích hỗ trợ doanh nghiệp.
S&P Global Ratings cho hay: “Đại dịch và các quy định ngày càng nghiêm ngặt của chính quyền trung ương có thể hạn chế quyền điều phối nguồn tài chính của chính quyền địa phương, thậm chí là khả năng cung cấp hỗ trợ (cho các doanh nghiệp quốc doanh)”.
Cơ hội để lành mạnh hóa thị trường tín dụng?
Tan Min Lan, Giám đốc văn phòng đầu tư khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại UBS Global Wealth Management cho rằng, các vụ vỡ nợ gia tăng của doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc thực chất là một tín hiệu tích cực trong dài hạn. “Chúng tôi đã nhận định từ lâu rằng sự phân hóa tín dụng ngày càng tăng (giữa doanh nghiệp có nguồn tín dụng mạnh và yếu) thực sự là điều tích cực cho sự phát triển trong dài hạn của Trung Quốc”.