Lào có nguy cơ vỡ nợ lớn, ngày càng phụ thuộc vào tiền từ Trung Quốc
Rất hiếm khi một quốc gia có chủ quyền bị xếp hạng ở mức “C” như vậy. Trong một báo cáo được công bố hôm 24/9, Fitch Ratings thừa nhận họ “thường không chỉ định triển vọng hoặc áp dụng công cụ sửa đổi cho các quốc gia có chủ quyền xếp hạng tử “CCC” trở xuống”.
Nguyên nhân chính khiến Fitch Ratings đánh tụt thứ hạng của Lào là do áp lực thanh khoản gia tăng sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 cùng gánh nặng nợ khổng lồ sắp đến hạn của quốc gia này. Ngày càng có nhiều nguy cơ Lào phải dựa vào sự trợ giúp của Trung Quốc để thoát khỏi rủi ro vỡ nợ.
Không riêng Fitch Ratings, Moody's Investors Service hồi tháng trước cũng hạ xếp hạng Lào từ mức “B3” xuống “Caa2”, tức mức xếp hạng rất thấp trong bảng phân loại xếp hạng “Rác”, hàm ý không nên đầu tư. Theo Moody’s, Lào đang đối mặt với rủi ro thanh khoản lớn, thậm chí có khả năng vỡ nợ, không thanh toán được nợ trong năm nay.
S&P Global Ratings hiện không xếp hạng quốc gia này.
Theo Fitch Ratings, khoảng 500 triệu USD nợ nước ngoài của Lào sẽ đến hạn đáo hạn vào cuối năm nay. Tiếp theo đó là khoản 1,1 tỷ USD mỗi năm trong vòng 4 năm tiếp theo, từ 2021 đến 2025. Nhưng dự trữ ngoại hối của Lào hiện rất mong manh, chỉ khoảng 1,3 tỷ USD, tức có khả năng vỡ nợ.
Riêng tháng này, Lào phải đối mặt với khoản nợ sắp phải trả lên tới 200 triệu USD cho các ngân hàng thương mại. Ngay sau đó là khoản phải trả tương đương 100 triệu USD trái phiếu bằng đồng baht của Thái Lan vào tháng sau. Do đó, Fitch Ratings tin rằng: “Các điều kiện thị trường tài chính quốc tế còn nhiều thách thức đối với Lào, bao gồm cả triển vọng yếu trong việc thực hiện các nghĩa vụ hiện có với thị trường trái phiếu Thái Lan, điều mà chúng tôi từng dự báo trước đây”.
Trước đó, nhà phân tích Jeremy Zook của Fitch Ratings từng nhận định: “Lào sẽ gặp khó trong việc tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế… Khả năng thanh toán những khoản trái phiếu đã phát hành tại Thái Lan có vẻ ngày càng khó khăn với chính phủ Lào".
Trên thực tế, Lào đã đàm phán với các ngân hàng thương mại để cho phép đảm bảo khoản tài trợ tín dụng mới lên tới 100 triệu USD. Fitch Ratings dự báo nguồn tài chính bổ sung và xóa nợ sắp tới có thể bao gồm cả từ Trung Quốc, vì chính phủ Lào đã không yêu cầu tài trợ từ IMF liên quan đến Quỹ tín dụng Nhanh hỗ trợ các quốc gia trong đại dịch.
Cho đến nay, Lào báo cáo rất ít trường hợp nhiễm Covid-19, nhưng quốc gia này không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề của đại dịch với nền kinh tế vốn đã lao đao.
Cơ quan xếp hạng Fitch Ratings cũng dự báo thâm hụt thương mại của Lào sẽ tăng lên mức 7% tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay, hơn gấp đôi so với mức 3,2% hồi năm ngoái. Doanh thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm 25% trong năm nay do các biện pháp ứng phó với dịch bệnh cũng như hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm miễn thuế và hoãn nộp thuế.
Đối với Fitch Ratings, Lào là quốc gia duy nhất trong số 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có xếp hạng từ mức "CCC" trở xuống. Bốn quốc gia châu Phi là Cộng hòa Congo, Gabon, Zambia và Angola có cùng xếp hạng với Lào, trong khi bốn quốc gia khác bao gồm Lebanon và Argentina bị xếp hạng thấp hơn.